Có những lần bạn bật tivi hoặc thiết bị điện tử để giữ nhóc con nhà mình “không quậy”. Nhưng bé càng dành nhiều thời gian xem màn hình, kỹ năng vận động tinh càng kém. Sau đây là những hoạt động giúp bé khéo léo, linh hoạt hơn mà không cần tới “màn hình”.
Tầm quan trọng của kỹ năng vận động tinh
Kỹ năng vận động tinh là những gì bé mầm non sử dụng để di chuyển các cơ nhỏ hơn trên bàn tay, ngón tay. Bé cần tới những cử động này cho các hoạt động đòi hỏi sự phối hợp tay-mắt như viết, chơi với vật nhỏ, tự chăm sóc bản thân (mặc quần áo, tự xúc ăn).
Làm chủ các chuyển động và hoạt động của toàn bộ cơ thể giúp bé tự tin hơn vào bản thân, vào hành động của mình cũng như vào thế giới xung quanh. Đây là nền tảng tốt cho sự phát triển lành mạnh cả về nhận thức, xã hội, cảm xúc của trẻ.
Làm bén sắc các chuyển động tinh là cách để con bạn trở nên độc lập hơn. Nó còn xây dựng ở trẻ bản tính tò mò tự nhiên về mọi hoạt động thường ngày.
Ảnh: Children’s Therapy TEAM
Phát triển kỹ năng vận động tinh ở trẻ
Giai đoạn mầm non là thời điểm quan trọng để xây dựng và mài giũa kỹ năng vận động. Qua giai đoạn này, việc rèn luyện sẽ trở nên khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao bạn nên nắm chắc các mốc phát triển thể chất của con mình.
Bên cạnh đó, hãy trao cho trẻ thật nhiều tự do và cơ hội nhằm thực hành các dạng chuyển động khác nhau thông qua các hoạt động:
1Xúc gạo
Vật liệu cần có:
2 bát nhỏ, gạo và 1 chiếc thìa
Cách làm:
- Đặt 2 bát cạnh nhau.
- Đổ đầy gạo vào 1 bát.
- Đưa thìa cho trẻ.
- Đề nghị con xúc gạo sang bát còn trống.
Thử thách trẻ bằng cách sử dụng:
- Nhiều lại ngũ cốc, đậu… khác nhau.
- Nhiều bát có kích thước khác nhau.
- Thìa nhỏ hơn
Sau khi bé thành thạo, bạn có thể nâng “level” hoạt động này bằng cách để con dùng đũa gắp các quả bóng cotton nhỏ.
2Xỏ sợi mỳ
Vật liệu cần có:
Một nắm mỳ ống, băng dính và một đoạn dây
Cách làm:
- Dùng băng dính, dán chặt một đầu dây vào một mặt phẳng.
- Sau đó, đề nghị con xỏ sợi mỳ vào đầu dây còn lại.
(Mẹo: Bạn có thể dùng băng dính quấn 1-2 vòng ở đầu còn lại của sợi dây. Như thế, việc trẻ xỏ sợi mỳ vào sẽ dễ hơn lúc đầu đối với các bàn tay nhỏ).
- Khi con làm xong, giúp con buộc 2 đầu dây lại để tạo thành một sợi dây chuyền mỳ ống.
3Cắt bìa
Vật liệu cần có:
Hộp ngũ cốc hoặc món ăn vặt đã sử dụng và 1 chiếc kéo.
Cách làm:
- Cắt các đoạn bìa hình chữ nhật, đủ dài để bé có thể cầm một cách thoải mái trong tay.
- Đưa cho con kéo dành cho trẻ nhỏ. Đề nghị con cắt mảnh bìa đó theo cách nào tuỳ thích.
- Khi con đã quen, bạn có thể giúp các cơ tay vận động tốt hơn bằng cách vẽ các đường thẳng trên tấm bìa. Bé sẽ cắt theo các đường đó.
- Để khó hơn, bạn có thể vẽ các hình khác nhau lên tấm bìa và đề nghị con tiếp tục thử sức.
4Rót nước
Vật liệu cần có:
Bình cỡ trẻ em, nước, một khay nhỏ, cốc và bút đánh dấu
Cách làm:
- Trẻ thường háo hức tự làm các công việc thường ngày. Tận dụng điều này bằng cách đặt bình nước và 1 chiếc cốc vào khay. Đề nghị con tự rót cho mình một cốc nước.
- Để tăng độ khó, bạn đánh dấu lên chiếc cốc để trẻ biết sẽ đổ nước tới vạch đó. Có thể sử dụng nhiều cốc khác nhau.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể tăng cường trí tưởng tượng cho trẻ bằng cách giả vờ bé đang tham gia một bữa tiệc.
5Mở và đóng hộp
Vật liệu cần có:
Bình/hộp/chai nhựa đã sử dụng
Cách làm:
- Hoạt động mở/đóng nắp hộp/chai/bình sẽ giúp bé rèn luyện kỹ năng vận động tinh.
- Để vui thêm, hãy trộn lẫn các nắp với nhau và đề nghị trẻ khớp đúng nắp với hộp/chai/bình. Có thể sử dụng thêm ít tinh dầu để kích thích giác quan của trẻ.
6Dọn bàn
Vật liệu cần có:
1 tờ giấy, 1 chiếc bút (để vẽ đường viền vị trí đặt các dụng cụ), đĩa, cốc và thìa dĩa của con.
Cách làm:
- Mời trẻ tự dọn bàn ở vị trí mình ngồi trước khi vào bữa. Để giúp con lúc đầu, dùng tờ giấy với các đường kẻ chỉ rõ vị trí để cốc, thìa, bát…
- Khích lệ trẻ đặt đúng vật dụng vào các hình cho sẵn.
- Một khi đã thành thạo, đề nghị con thực hành bằng cách tự dọn bàn.
7Phân loại thìa dĩa
Vật liệu cần có:
Nhiều thìa, dĩa khác nhau.
Cách làm:
- Đề nghị bé phân loại chỗ thìa dĩa lộn xộn và đặt thìa vào 1 bên, dĩa sang 1 bên.
- Sau khi hoàn thành, hướng dẫn con xếp gọn vào vị trí quy định trong bếp.
8Kẹp quần áo
Vật liệu cần có:
Những chiếc kẹp quần áo phù hợp tay trẻ nhỏ và 1 hộp bìa.
Cách làm:
Chuẩn bị tâm thế làm quen với việc giặt giũ quần áo cho trẻ với hoạt động này.
- Dùng kẹp quần áo kẹp quanh miệng một chiếc hộp bằng bìa các-tông.
- Đề nghị trẻ gỡ kẹp rồi bỏ vào trong lòng hộp. Những ngón tay bé xinh sẽ được dịp tập luyện miệt mài trong khi bé rèn luyện cả sự tập trung.
9Cởi cúc áo
Vật liệu cần có:
Một chiếc áo sơ mi của bé.
Cách làm:
- Đặt chiếc áo phẳng ra trên mặt bàn. Chỉ cho bé thấy cách cài cúc và mở cúc áo. Đề nghị con làm tương tự.
- Nếu hoạt động này quá dễ, bạn có thể chọn các loại áo với cúc áo có kích thước to nhỏ khác nhau.
10Gấp quần áo
Vật liệu cần có:
Một số bộ quần áo của bé.
Cách làm:
Con đã cài xong cúc áo ở hoạt động trên. Tới lúc gấp lại để cất vào tủ. Trải chiếc áo ra bàn và làm mẫu cho con. Sau đó, tới lượt con.