BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG BỆNH GIAO MÙA XUÂN HÈ
Vào thời gian cuối xuân sang hè, thời tiết tuy nắng ấm nhưng thỉnh thoảng có những đợt gió mùa đông bắc làm tiết trời trở lạnh đột ngột. Đây là nguyên nhân khiến cho chúng ta dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, ...
Giao mùa xuân - hè là thời điểm số lượng trẻ ốm đau, nhập viện tăng do khí hậu thay đổi và thời tiết thuận lợi để các dịch bệnh bùng phát. Thêm vào đó sự nóng - lạnh đột ngột khiến cơ thể không thể điều tiết kịp thích ứng nên dễ dẫn đến sức đề kháng bị yếu đi, thời tiết sẽ chính là nguyên nhân gây nên một số bệnh như viêm họng, viêm phế quản, cảm cúm, … Đặc biệt, trẻ em là đối tượng có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, càng rất dễ mắc những bệnh nguy hiểm.
Mùa xuân vẫn được xem là mùa của sự sống, mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài. Tiết trời ấm, nồm và ẩm ướt là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các loại nấm mốc, vi khuẩn, siêu vi trùng sinh sôi và gây nên các loại bệnh tật ở con người. Do đó, mùa xuân cũng là mùa phát sinh các căn bệnh truyền nhiễm với tỉ lệ cao.
Ngoài ra, do thời tiết nắng ấm nên nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến, … cũng phát triển mạnh. Đây là nguồn lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết và bệnh đường tiêu hoá rất nguy hiểm.
Ngoài các căn bệnh phổ biến như cảm cúm, sổ mũi, … thì các căn bệnh khác như viêm màng não mủ, bệnh sởi, thủy đậu, … cũng có nguy cơ trở thành một thứ bệnh dịch lưu hành. Những loại bệnh này hầu hết đều là những bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp và có những biểu hiện ban đầu gần giống như bệnh cảm cúm. Nếu như chúng ta không chú ý phân biệt chúng để có những sự điều trị kịp thời và đúng đắn thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới đe dọa tới sinh mạng của chúng ta.
Để phòng tránh các bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa chúng ta nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và giữ gìn vệ sinh cá nhân như: vệ sinh răng miệng bằng dung dịch nước muối hoặc nước súc miệng fluor, nhỏ thuốc mũi, thuốc mắt …
Để phòng tránh tốt dịch bệnh, bản thân mỗi chúng ta cần phải chủ động trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho chính mình và người thân, nên phòng tránh muỗi đốt và vệ sinh môi trường, lớp học, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, diệt bọ gậy, loăng quăng để giảm thiểu tác nhân gây bệnh.