Trẻ em khi sinh ra vốn không thể tự biết điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực theo cách phù hợp. Một đứa trẻ không biết cách kiềm chế cơn giận của mình có thể sẽ có hành vi hung hăng. Những cơn giận dữ sẽ thường xuyên xuất hiện hơn trong cuộc đời của những đứa trẻ này. Do vậy, cha mẹ cần có những phương pháp để dạy trẻ cách tự kiểm soát hành vi khi trẻ có những cảm xúc không mấy tích cực.
Dạy trẻ điều chỉnh cảm xúc có thể làm giảm thiểu rất nhiều vấn đề liên quan đến hành vi tiêu cực sau này. Một đứa trẻ hiểu cảm xúc của mình sẽ dễ dàng đối phó hơn với các tình huống không thoải mái trong cuộc sống. Dưới sự hướng dẫn của cha mẹ trong quá trình thực hành, trẻ sẽ học được rằng chúng có thể đối phó với cảm xúc của mình một cách lành mạnh.
DẠY TRẺ VỀ TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN
Mặc dù trẻ em có thể trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong cuộc sống, nhưng điều quan trọng trẻ cần hiểu là những cảm xúc mãnh liệt không nên được dùng để làm cái cớ biện minh cho hành vi tiêu cực. Cảm thấy tức giận không cho trẻ quyền đánh ai đó. Cha mẹ cần dạy trẻ phải chịu trách nhiệm cho hành vi của chính mình và không được đổ lỗi cho người khác về cảm xúc của mình. Nếu trẻ đánh người khác với lý do vì người đó đã làm trẻ cáu hoặc cảm thấy không thoải mái, cha mẹ hãy điều chỉnh lại suy nghĩ của trẻ.
Ảnh minh họa.
THỰC HÀNH DUNG NẠP CẢM XÚC KHÔNG THOẢI MÁI
Trẻ sẽ bắt đầu mất tự tin vào bản thân nếu quá quen với việc né tránh sự khó chịu. Khi trẻ mất tự tin, trẻ sẽ nghĩ rằng mình không bao giờ có thể làm điều đó. Kết quả là, trẻ có thể bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Nhẹ nhàng đẩy con bạn bước ra ngoài vùng thoải mái của mình. Hãy khen ngợi những nỗ lực của trẻ và nói rõ rằng bạn quan tâm nhiều hơn đến sự sẵn lòng cố gắng của trẻ hơn là kết quả. Dạy trẻ cách coi những sai lầm và tình huống không thoải mái là cơ hội để học hỏi và phát triển tốt hơn.
CÁCH GIÚP THAY ĐỔI TÂM TRẠNG TIÊU CỰC CỦA TRẺ
Tâm trạng của trẻ em thường phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh bên ngoài. Một đứa trẻ đang rất vui vẻ khi đang chơi ở nhà bạn có thể lại buồn ngay lập tức khi biết đã đến giờ phải ra về. Tâm trạng của trẻ có thể nhanh chóng chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Cha mẹ nên dạy trẻ rằng tâm trạng của trẻ không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố ngoại cảnh bên ngoài cho dù bất kể có tình huống nào xảy ra. Mỗi khi trẻ gặp cảm xúc tiêu cực, cha mẹ không nên bắt trẻ phải kìm nén hoặc phớt lờ chúng. Chúng ta cần giúp trẻ không bị mắc kẹt trong tâm trạng tồi tệ đó nữa và từng bước khiến trẻ cảm thấy tốt hơn.
Cha mẹ hãy giúp trẻ xác định những lựa chọn mà trẻ có thể làm để bình tĩnh lại khi trẻ có cảm xúc tiêu cực. Xác định các hoạt động cụ thể có thể thúc đẩy tâm trạng của trẻ. Một số trẻ có thể bình tĩnh lại trong khi tô màu. Số khác lại cảm thấy thoát khỏi cảm xúc tiêu cực khi được chơi ở ngoài trời. Hãy tìm cách khơi gợi trẻ để trẻ đề xuất những hoạt động mà trẻ muốn thực hiện khi trẻ gặp phải cảm xúc tiêu cực. Bạn có thể hỏi trẻ những câu hỏi kiểu như: “Điều gì có thể giúp tâm trạng của con trở nên tốt hơn? Con muốn vẽ tranh hay lắp ráp đồ chơi?” Việc khuyến khích trẻ vận động hoặc làm điều gì đó khác biệt sẽ giúp trẻ kiểm soát cảm xúc một cách lành mạnh.