Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp, và thường xảy ra nhiều nhất vào mùa đông và mùa xuân. Đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
* Dấu hiệu trẻ mắc bệnh sởi
Bệnh sởi có những dấu hiệu đặc biệt, có thể nhận thấy qua những biểu hiện như sau:
– Thời kì ủ bệnh: trẻ có thể bị sốt nhẹ
– Thời kì khởi phát: kéo dài 3- 5 ngày với 2 biểu hiện rõ rệt nhất là sốt cao và viêm long đường tiêu hóa. Đây là giai đoạn dễ lây nhất nên các bậc phụ huynh nên chú ý.
Trẻ sẽ có các biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao (39,5 – 40 độ, sốt cao có thể kèm theo co giật), mệt mỏi, nhức đầu. Ngoài ra còn các biểu hiện khác như: chảy nước mắt, sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù kèm theo các triệu chứng khác như hắt hơi, sổ mũi, ho đờm. Thêm một triệu chứng nữa mà các bậc phụ huynh cần chú ý thêm đó là ở giai đoạn này trẻ có thể bị tiêu chảy do viêm long đường tiêu hóa.
– Thời kì phát ban (thời kì này kéo dài 5-7 ngày): có thể sẽ sốt cao (lên đến 40 độ), ho liên tục, co giật và đến đêm thì sẽ mọc sởi. Các nốt sởi sẽ mọc đầu tiên ở sau tai, sau đó lan đến mặt, cổ, ngực, lưng, bụng và chân tay. Đến ngày tiếp theo ban sẽ mọc khắp người trẻ, ban sẽ đặc biệt mọc dày ở những nơi hay cọ xát hoặc tiếp xúc với ánh nắng. Các nốt ban sẽ mọc thành từng vầng, cũng có nốt hình tròn hoặc bầu dục có màu hồng nhạt. Trẻ bị nhẹ thì các nốt ban sẽ mọc thưa, còn nếu trẻ bị nặng các nốt ban sẽ mọc dầy đặc, đôi khi các nốt ban có kèm theo xuất huyết, hoặc thậm chí là trẻ sẽ bị chảy máu mũi, và xuất huyết tiêu hóa. Thời kì này các bậc phụ huynh nên chú ý quan sát để không nhầm các nốt ban sởi trên người trẻ với các nốt ban do sốt phát ban gây nên.
– Thời kì hồi phục: ở thời kì này trẻ sẽ dần lại sức, và khi các ban sởi bay hết và chỉ để lại các vết thâm trên bề mặt da. Sau 2 tuần trẻ sẽ trở lại bình thường.
* Cách điều trị khi trẻ bị sởi:
Sởi là bệnh rất dễ lây, nếu không biết chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ (viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não tủy…). Vì vậy khi trẻ bị sởi các bậc phụ huynh nên biết cách điều trị đúng cách tránh những biến chứng do sởi gây ra. Để điều trị đúng cách các bậc phụ huynh cần chú ý những điều dưới đây:
– Kiêng gió, giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, cách ly trẻ khi phát hiện dấu hiệu của sởi
– Thường xuyên lấy khăn mềm và sạch lau mặt, miệng và toàn thân cho trẻ.
– Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và uống nước hoa quả; không nên cho trẻ ăn các loại thủy sản như: cá rô, cá chép, tôm, cua, sò, nghêu…
– Cho trẻ uống 6-8 cốc nước mỗi ngày để giảm tình trạng mất nước của cơ thể do tình trạng nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều khi bị sởi.
– Khi trẻ bị tiêu chảy do sởi phụ huynh có thể cho trẻ uống thêm men vi sinh để chữa tiêu chảy cho trẻ và tăng thêm sức đề kháng cho trẻ.
– Nhỏ thuốc mũi và thuốc mắt cho trẻ 3- 4 lần/ ngày.
– Nếu trẻ không xuất hiện những biến chứng do sởi thì tuyệt đối không cho trẻ uống kháng sinh, chỉ nên dùng B1 và Vitamin C liều cao. Nếu xuất hiện những biến chứng thì nên cho trẻ uống theo chỉ định của bác sĩ hoặc cho trẻ nhập viện để điều trị.
* Phòng tránh bệnh sởi cho trẻ
Các bậc phụ huynh nên thực hiện một số biện pháp để phòng tránh bệnh sởi ở trẻ nhỏ:
– Phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng chống sởi đầy đủ và đúng lịch (trẻ từ 9 tháng tuổi trở đi là có thể tiêm vắc xin phòng sởi). Tiêm phòng là phương pháp chủ động nhất giúp trẻ phòng tránh sởi.
– Giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ (thay quần áo, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày, giữ vệ sinh phòng ngủ, chăn, đệm…)
Sởi là căn bệnh lây lan rất nguy hiểm vì thế các bậc phụ huynh chú ý phòng tránh cho trẻ và cách ly khi phát hiện trẻ bị sởi. Việc điều trị và chăm sóc trẻ bị sởi cũng cần đặc biệt chú ý để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.