Bé bị viêm VA cấp thường có biểu hiện như sốt cao 38-39oC, có khi co giật, nghẹt tắc mũi cả 2 bên, tăng khi nằm (bé phải thở bằng miệng). Sau đó, bé xuất hiện chảy nước mũi đục như mủ tăng dần và một số bé có biểu hiện rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy…).
Viêm VA mạn là tình trạng VA quá phát sau nhiều lần viêm cấp. Bé nghẹt mũi thường xuyên, chảy mũi xanh, 2 bên mũi lúc nào cũng có nước mũi, bé thường xuyên thở bằng miệng và thỉnh thoảng có những đợt cấp bộc phát.
Hiện nay, tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng, các bác sĩ sử dụng máy nội soi mũi họng để chẩn đoán chính xác bệnh viêm VA và phân biệt các khối u khác ở vòm mũi họng.
Để phòng bệnh viêm VA, cần giữ vệ sinh mũi họng cho bé như: nhỏ nước muối sinh lý 9‰ hay xịt dung dịch nước muối biển vào mũi.
Khi bé bị chảy nước mũi thì việc rửa mũi và hút mũi rất quan trọng, giúp loại bỏ mủ và dịch viêm khỏi mũi, làm bé dễ thở, mau khỏi bệnh.
Khi bé bệnh thì nên đưa bé đến những cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị tốt bệnh viêm VA, tránh các biến chứng.