Trẻ em là người có sức sống, năng động, hoạt bát và luôn phát triển”
Vận động là một trong 8 loại hình trí thông minh của con người, mọi hoạt động của cơ thể đều được điều khiển bởi não bộ. Việc kích thích phát triển kỹ năng vận động của trẻ rất quan trọng, bởi đó là những kỹ năng thiết yếu, cần được duy trì đều đặn hằng ngày. Những hoạt động phát triển thể chất sẽ giúp trẻ trở nên tự lập hơn, kích thích não bộ, cải thiện khả năng học tập, tăng khả năng nhạy bén nhận thức và phát triển năng lực tương tác, gia tăng cơ hội hòa nhập với những bạn bè cùng trang lứa.
Các nhu cầu vận động cơ bản của trẻ về những vận động thô như lăn, bò, trườn, xoay cơ thể, đi, chạy, nhảy, vẫy tay, kéo đẩy, leo trèo…phát triển mạnh. Ngoài ra, trẻ sẽ phát triển các vận động tinh thông qua việc tham gia những đồ chơi nghệ thuật, xoay, vặn, lắp ghép khối, nặn, vẽ tranh… Bởi vậy, cần tạo cơ hội cho trẻ thường xuyên tham gia các hoạt động phát triển thể chất nhằm giúp trẻ khám phá trải nghiệm để thỏa mãn, phát triển nhu cầu vận động; tăng cường trí thông minh; khả năng nhạy bén và ý thức tự lập… Vậy cần làm gì để kích thích khả năng hoạt động và tăng cường vận động cho trẻ tại nhà, mời phụ huynh cùng tham khảo nội dung dưới đây:
1. Phục vụ bản thân và làm việc nhà
Chuyên gia cho rằng: “Để con làm việc nhà sẽ giúp trẻ thành công sau này” và một nghiên cứu gần đây cho thấy nếu bố mẹ luôn cố tự làm mọi việc để trẻ có thời gian học thì sẽ tước đi cơ hội thành công sau này cho bé. Theo Fatherly, nghiên cứu khoa học được thực hiện với 84 trẻ em trong suốt những năm mầm non cho tới khi bé lên 10, 15 và giữa 20 tuổi. Kết quả cho thấy những trẻ em bắt đầu làm việc nhà từ 3, 4 tuổi thường có khả năng xây dựng mối quan hệ và đạt được thành công trong học tập và tự chủ tốt hơn trẻ em đến tuổi teen mới làm việc nhà. Những đứa trẻ sẽ trở nên linh hoạt hơn nếu người lớn trao quyền được làm mọi việc trong khả năng, giúp trẻ phát triển sự tự tin và khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Thông qua các hoạt động Thực hành cuộc sống, trẻ sẽ được tham gia trải nghiệm các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, rèn luyện kỹ năng vận động khéo léo, được trải nghiệm phát triển thể chất giúp trẻ phát triển cơ chân, cơ tay; sự phối hợp linh hoạt của tay và mắt; được rèn tính kỷ luật, sự tập trung và quan trọng là điều đó sẽ giúp trẻ sống có mục đích, tự lập cuộc sống, được giúp đỡ chia sẻ công việc với người thân trong gia đình sẽ giúp trẻ cảm thấy mình đang đóng góp công sức của mình vào hạnh phúc gia đình. Từ đó, sẽ giúp trẻ vừa có một sức khoẻ tốt, có khả năng tự lập mà đem lại giá trị vô cùng lớn – đó là, có ý thức trách nhiệm hơn với người thân và mọi người xung quanh.
Trẻ từ 2 đến 6 tuổi có thể thực hiện các hoạt động đơn giản theo từng mức độ khác nhau như tự xúc ăn, tự mặc quần áo, đánh răng rửa mặt… Ngoài ra, trẻ con có thể thực hiện các công việc như lau dọn bàn ghế, gấp quần áo, treo quần áo, bê chuyển đồ vật, chế biến thực phẩm (nạo, cắt rau củ quả; nhặt rau), nấu cơm, chuẩn bị bàn ăn, quét nhà, lau giá kệ, cùng đi chợ mua đồ, rửa rau, trồng cây, tưới cây, chăm sóc cây, dọn rửa bát đĩa,… dưới sự hướng dẫn của người lớn. Vì vậy, thay vì làm giúp trẻ mọi việc, hãy để trẻ tự làm những điều trẻ thích trong chừng mực cho phép. Hoạt động này không chỉ giúp trẻ gia tăng kỹ năng vận động thô mà còn giúp trẻ học cách tự chăm sóc bản thân và tự lập hơn khi trưởng thành.
2.Tập thể dục, cùng trẻ chơi các trò chơi vận động
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, bác sĩ tâm lý đã chỉ ra rằng tập thể dục hàng ngày là cách đơn giản mà hiệu quả trong việc giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động thô. Một số bài tập thể dục dành cho trẻ nhỏ gồm các động tác đưa tay lên xuống, bắt chéo tay từ hai bên sang trước ngực, chạy bước nhỏ, gập thân,….
Khi 5 tuổi, trẻ có thể tham gia các môn thể thao đồng đội hoặc những hoạt động vận động nâng cao hơn như bơi lội, đá bóng vào gôn, bắt bóng bằng hai tay hay nhảy lò cò, leo trèo cầu thang, leo bục gỗ, đạp xe… để tối đa hoá khả năng phản xạ và nâng cao kĩ thuật. Bên cạnh đó, người lớn nên thường xuyên tổ chức các trò chơi vận động phù hợp với lứa tuổi của trẻ . Trong quá trình chơi cùng trẻ, hãy luôn khuyến khích trẻ chủ động vận động, chạy, nhảy, đi bộ trên một đường thẳng, chạy tiếp sức,… Việc chơi cùng với ba mẹ sẽ giúp trẻ hoạt bát, tự tin hơn, hoàn thiện kỹ năng vận động thô và tăng cường sự gắn kết với gia đình.
3.Các hoạt động nghệ thuật: Tạo hình (tô màu, vẽ, xé, cắt, dán…), Âm nhạc (hát, nhảy, múa,…)
Tô màu, vẽ tranh, sử dụng kéo cắt dán là các hoạt động sẽ giúp trẻ phát triển vận động tinh và vận động thô thông qua các cách thức khác nhau khi trẻ thực hiện các hoạt động tạo hình. Trẻ có thể nằm bò xuống sàn nhà, hoặc ngồi xổm vẽ lên tranh. Nằm trên sàn nhà vừa trụ hai tay giữ cơ thể vừa vẽ, trẻ tập cho vai, hông cứng cáp và tăng cường cân bằng. Ngoài ra, khi sử những dụng cụ tạo hình như bút màu, cọ vẽ, kéo… sẽ giúp trẻ phát triển vận động tinh, khả năng điều khiển bàn tay và các ngón tay, rèn sự khéo léo và phát triển các kỹ năng cần thiết của trẻ. Đây cũng là cơ sở nền tảng để trẻ có thể phát triển khả năng nghệ thuật của đôi tay và tập luyện viết chữ đẹp.
Chúng con rất thích được làm các hoạt động tạo hình bố mẹ ạ!
Khi thời gian học tập cần nhiều sự tập trung cao dễ dẫn đến căng thẳng thì âm nhạc sẽ đem lại cho chúng ta một nguồn cảm hứng rất tốt. Với các hoạt động Âm nhạc như hát ca, nhảy, múa sẽ giúp trẻ rèn luyện thể chất, đem lại cho trẻ một tinh thần sảng khoái với nguồn năng lượng tích cực, sôi động. Có thể cho trẻ tham gia các lớp đào tạo, khiêu vũ, múa hiện đại,… hoặc đơn giản là cho con vận động theo những điệu nhạc sôi động, những bài hát tiếng Anh,… Không chỉ phát triển vận động, các giai điệu và nội dung bài hát sẽ giúp trẻ phát huy cảm thụ âm nhạc, khả năng nhạy bén và tư duy thông minh hơn.
4.Chơi trò chơi lắp ráp, xếp hình, trò chơi tư duy và các thí nghiệm khoa học
Đồ chơi lắp ghép là một trong những đồ chơi mang tính giáo dục và mang lại cho bé nhiều lợi ích khi chơi. Ngoài những phút giây thoải mái và vui vẻ khi lắp ghép, trẻ con nhận được rất nhiều lợi ích khác như rèn khả năng tập trung giúp não bộ phát triển hơn, các cơ quan vận động của trẻ sẽ dần phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt nhất là đôi bàn tay phải thật khéo léo sắp đặt các chi tiết đúng vào vị trí, ghép nối để hoàn thiện sản phẩm.
Ngoài những trò chơi lắp ghép còn có rất nhiều hoạt động cho trẻ khám phá như các trò chơi tư duy, các hoạt động thí nghiệm. Bố mẹ có thể tìm kiếm dễ dàng cho các con trên các diễn đàn và website. Với các hoạt động đó sẽ giúp trẻ tập luyện phát triển vận động tinh, tăng cường xúc giác, giúp con có một môi trường vui chơi lành mạnh, nâng cao khả năng học hỏi, tư duy sáng tạo của trẻ.
5.Cho trẻ đi tham quan và dạo chơi công viên
Việc thường xuyên được đi tham quan và dạo công viên sẽ giúp trẻ có cơ hội gần gũi với thiên nhiên, tiếp cận với không gian thoáng đãng và với muôn vàn các sinh vật đến từ tự nhiên. Bố mẹ có thể tổ chức cho trẻ đến các khu vui chơi, nhà văn hoá để cho trẻ tham gia các trò chơi trong đó như tàu lượn, bập bênh, nhà bóng, những khu phát triển vận động (khu vui chơi liên hoàn). Việc trẻ đi lại, chạy nhảy, ngắm nhìn xung quanh sẽ giúp trẻ phát huy khả năng nhận thức và quan trọng hơn trẻ sẽ được thỏa sức vận động, rèn luyện thân thể, sự linh hoạt và đem lại cho trẻ một sức khỏe tốt.