Trẻ bị viêm mũi họng
- Tại sao trẻ hay bị viêm mũi họng?
Mũi và hầu là đường không khí đi từ ngoài vào đến phổi, cung cấp ôxy cho cơ thể. Không khí hít vào đồng thời những tác nhân gây bệnh cũng vào theo. Trẻ dưới 3 tuổi có thể viêm mũi 4 - 6 lần trong một năm, tần số có thể tăng lên trong thời kỳ bé đi nhà trẻ, mẫu giáo sau đó giảm dần. Chính vì vậy chúng ta không nên quá lo lắng khi thấy con đi trẻ vài ngày lại phải nghỉ vài ngày vì ho, sổ mũi. Đây cũng chính là quá trình thích nghi cần thiềt để cơ thể trẻ có đủ khả năng miễn dịch. Tuy nhiên viêm mũi sẽ trở thành bệnh lý khi tái phát quá nhiều lần hoặc đưa đến những biến chứng như viêm phổi, viêm tai...
Viêm mũi ở trẻ em chủ yếu là do virut. Khởi đầu virut xâm nhập làm rối loạn hoạt động bình thường của mũi và làm suy yếu sự đề kháng tại chỗ, tạo thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, đưa đến sự bội nhiễm vi khuẩn.
- Trẻ bị viêm mũi họng có những biểu hiện gì?
-
Sốt: Thường sốt xuất hiện đột ngột và khá cao 39-40oC, trong 2-3 ngày.
- Trẻ bứt rứt, quấy khóc, kém ăn, đôi khi có nôn ói, tiêu chảy.
- Ngạt mũi kèm theo chảy nước mũi trong hoặc mũi nhầy mủ và ho.
Các biểu hiện kéo dài 5-7 ngày rồi thuyên giảm, nếu kéo dài trên 7 ngày phải đề phòng có những biến chứng của viêm mũi.
- Các biến chứng có thể gây nguy hiểm
Trẻ sốt cao có thể dẫn đến co giật, đặc biệt thường gặp nhất là viêm tai giữa, trẻ sốt cao, trẻ lớn sẽ kêu đau trong tai, nghe kém, trẻ nhỏ hay dụi vào tai, nặng hơn là chảy mủ tai, viêm xoang hàm cấp ở trẻ lớn và viêm thanh quản cấp (tiếng khóc bị khàn, trẻ khó thở), viêm phế quản, viêm phổi (trẻ thở mệt, khò khè).
- Xử trí khi trẻ bị viêm mũi họng:
Nếu trẻ sốt cao trên 38o C, cần hạ sốt bằng phương pháp lau mát và thuốc hạ sốt.
Dùng khăn bông cho vào nước ấm (bằng thân nhiệt của trẻ 37-40oC) vắt ráo, lau khắp người trẻ và xếp các khăn này để vào hai bên nách và bẹn, đổi khăn lần lượt đến khi nhiệt độ của trẻ dưới 38oC thì không cần lau mát mà cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng, nơi trẻ nằm phải thoáng, tránh gió mạnh, tránh quạt và vẫn phải theo dõi nhiệt độ cho trẻ thường xuyên. Dùng thuốc hạ sốt nhóm paracetamol. Ngoài ra cho trẻ uống nhiều nước vì sốt làm mất nước.
Nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%, ngày 4-5 lần cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi, dạy trẻ biết cách hỉ mũi đúng (bịt một bên, hỉ mũi bên kia). Đặc biệt theo dõi sát để phát hiện sớm các biến chứng và điều trị kịp thời. Đặc biệt chú ý khi trẻ đang bị viêm mũi bỗng nhiên thấy sốt cao phải đề phòng viêm tai để dùng kháng sinh toàn thân ngay. Nếu có chảy mủ tai phải được xử trí kịp thời bằng đặt dẫn lưu để tránh biến chứng thủng màng nhĩ.
Không tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của thầy thuốc, vì có thể làm bệnh nặng hơn; tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi của người lớn cho trẻ em. Khi thấy viêm mũi kéo dài trên 7 ngày hoặc có triệu chứng nặng hơn như đau tai, khàn tiếng, khó thở phải kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Chế độ ăn của trẻ phải đủ chất dinh dưỡng thịt, cá, trứng, đậu, rau củ quả chín... có như vậy mơi giúp trẻ nhanh hồi phục.