Thủy đậu là một căn bệnh phổ biến mà mỗi người chúng ta ai cũng thường mắc phải một lần khi còn thơ bé. Tuy nhiên, kể từ khi có sự ra đời của vắc xin chống thủy đậu năm 2006, số ca mắc bệnh đã dần giảm đi đáng kể. Ước tính có tới 90% người sẽ mắc bệnh thủy đậu nếu không được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Tham khảo: Lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh
Trước kia, ở một số nơi,thủy đậu được xem như một cột mốc quan trọng ghi dấu một thời thơ ấu đã qua. Thậm chí người ta còn tổ chức những “bữa tiệc thủy đậu” nơi những đứa trẻ chưa mắc bệnh được mời tới để “được lây bệnh”. Nhưng dần dần nhận thức của con người đã thay đổi và được nâng cao hơn về các bệnh truyền nhiễm và biến chứng nguy hiểm của chúng.
Tham khảo: Sức khoẻ của bé
Thủy đậu là gì?
Bệnh thủy đậu do loại vi rút có tên khoa học là Varicella Zoster gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở bất kì giai đoạn nào của cuộc đời con người, nhưng hay tập trung ở trẻ em hơn là người lớn. Thường bệnh kéo dài trong khoảng 7-10 ngày. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bệnh trở nặng hơn và kéo dài hơn. Nói chung, đối với đa số, đây không phải là một căn bệnh nghiêm trọng.
Nguy cơ mắc bệnh
Nguy cơ lớn nhất xảy ra đối với những người có hệ miễn dịch đang suy yếu, chẳng hạn như bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng hóa trị liệu. Viêm phổi và viêm não là những biến chứng phổ biến nhất và có thể gây ra những tác động nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Ngoài ra, các bà bầu cũng thuộc nhóm dễ bị tác động. Mắc bệnh khi đang mang thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi và gây ra nhiều biến chứng khác.
Thủy đậu lây lan như thế nào?
Thủy đậu lây trực tiếp từ người qua người thông qua đường tiếp xúc. Chất lỏng chứa trong các bọng nước rất dễ gây bệnh, và nếu người khác chạm phải có khả năng sẽ bị nhiễm bệnh. Hắt hơi, ho cũng truyền bệnh thông qua nước bọt và đờm. Trẻ em rất dễ mắc bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh zona.
Thủy đậu gây lây nhiễm cao trong giai đoạn bắt đầu phát ban cho tới khi các mụn nước khô và đóng vảy. Đặc biệt càng lây nhiễm mạnh khi người bệnh bị chảy mũi, thường là vài ngày trước khi phát ban. Khoảng 1 tuần hoặc 10 ngày sau, khi các vết thương khô và đóng vảy thì nguy cơ lây lan cũng giảm dần.
Những người không tiêm phòng thủy đậu thì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Có hai cách để phòng thủy đậu. Hoặc là đã từng mắc bệnh, hoặc là tiêm phòng. Ai đã từng mắc bệnh thủy đậu sẽ không bị lại lần nữa. Tuy nhiên, những người đã chích ngừa nhưng với liều lượng nhẹ vẫn có khả năng mắc bệnh trở lại.
Đối với trẻ đã đi học hoặc đi nhà trẻ, nếu mắc bệnh phải được nghỉ học ít nhất 5 ngày trước khi mụn nổi, mụn khô và đóng vảy.
Giảm nguy cơ lây nhiễm bằng cách nào?
- Cực kì cẩn thận về vệ sinh trong gia đình. Tránh dùng chung chén đũa, khăn tắm, khăn trải giường và quần áo với người nhiễm bệnh.
- Phơi nắng tất cả chăn màn hay quần áo của người bệnh.
- Rửa tay thường xuyên sẽ hạn chế sự lây lan của thủy đậu.
- Khăn giấy của người bệnh phải được vứt bỏ cẩn thận. Bệnh lây lan nhanh khi hắt hơi, sổ mũi.
- Che chắn cẩn thận các mụn nước nếu bạn cần đi ra ngoài. Sử dụng các loại băng dán cá nhân sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và bảo vệ vết thương khỏi nhiễm trùng.
- Tránh tiếp xúc đám đông, phụ nữ mang thai, trẻ em hoặc những người chưa tiêm phòng.
- Đặc biệt lưu ý người bệnh không tiếp xúc với người có hệ miễn dịch đang suy yếu, chẳng hạn như bệnh nhân đang điều trị hóa liệu.
- Hãy tiêm phòng ngay nếu bạn chưa mắc bệnh. Thậm chí vắc xin vẫn có tác dụng nếu bạn tiêm phòng trong khoảng 3-5 ngày ngay sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Tiêm thuốc Globulin có thể có tác dụng trong vòng 96 giờ kể từ khi tiếp xúc với người bệnh. Trẻ sơ sinh, bà bầu hay người đang bị suy yếu hệ miễn dịch đều có thể chích ngừa Globulin kháng bệnh.
Thời gian ủ bệnh của thủy đậu
Thời gian vi rút xâm nhập cơ thể cho đến khi phát ban xuất hiện là khoảng 2-3 tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ cảm thấy bình thường. Đến cuối thời gian ủ bệnh, người bệnh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Đối với cha mẹ có trẻ mặc bệnh, rất khó để xác định các triệu chứng của bệnh ở con mình trong vài ngày đầu. Cho tới khi phát ban xuất hiện thì lúc này cha mẹ mới nhận biết được chính xác căn bệnh.
Các triệu chứng của thủy đậu
Với biểu hiện ban đầu là mệt mỏi, khó chịu trong người, thủy đậu rất dễ bị nhầm tưởng với các bệnh do vi rút hoặc vi khuẩn khác gây ra. Kèm theo đó là các triệu chứng như nhiệt độ cơ thể tăng cao, cảm giác đau nhói ở da, ra mồ hôi và mặt ửng đỏ. Một số trẻ còn bị chảy mũi.
Tiếp theo đó phát ban xuất hiện. Các chấm đỏ nhỏ sẽ nhanh chóng phát triển thành các mụn nước mọc khắp thân mình và lưng. Trong vài giờ, chúng nhanh chóng lan rộng sang chân, tay và mặt.
Khi các mụn nước nổi lên sẽ gây cảm giác rất ngứa. Tuy nhiên không được gãi để tránh làm bể các mụn, làm bệnh dễ lây lan và để lại sẹo trên da về sau.
Mụn nước sẽ không nổi đồng loạt một lần mà có thể rải rác trong 3-4 ngày. Khi các mụn mọc trước đã khô và đóng vảy, các mụn mới tiếp tục mọc làm bệnh có thể kéo dài tới vài tuần. Mất khoảng vài tuần để các nắp vảy rơi ra. Da nơi các nốt mụn mọc sẽ bị đỏ trong vòng vài tháng. Tổn thương do thủy đậu gây ra thường không để lại sẹo trừ trường hợp bị nhiễm trùng hoặc nốt mụn quá to.
Mụn nước có thể mọc ở khắp nơi, kể cả tai, quanh mắt, mũi, bộ phận sinh dục, trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân. Thậm chí mụn nước cũng xuất hiện trên da đầu, gây khó khăn cho việc chải tóc. Bên cạnh việc gây cho người bệnh cảm giác mệt mỏi, thủy đậu còn làm mất mĩ quan vẻ bề ngoài.
Cần làm gì để phòng tránh thủy đậu cho trẻ?
Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu là một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Khuyến khích tiêm cho các bé trên 18 tháng tuổi. Đối với trẻ 14 tuổi hoặc lớn hơn chưa được chích ngừa thì cần tiêm 2 mũi.
Tuy vậy, tiêm vắc xin không hẳn mang lại hiệu quả 100%. Khoảng 70-90% người tiêm vắc xin được phòng bệnh nhưng không phải hoàn toàn miễn dịch. Nhưng khi họ mắc bệnh khi đã được tiêm phòng, thì khả năng bệnh chuyển nặng sẽ không cao.
Phương pháp điều trị
Do bệnh gây ra bởi vi rút nên thuốc kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng. Hiện chưa có phương thuốc điều trị thủy đậu mà chỉ tìm cách làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Người bệnh có thể dùng Paracetamol với liều lượng thích hợp để giảm sốt và mệt mỏi.
Khi tắm bằng nước ấm có thể sử dụng các loại dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng ẩm đặc trị để xoa dịu sự ngứa ngáy của các nốt mụn. Đặc biệt vào những ngày hè nóng nực khi mồ hôi ra nhiều làm da bị kích ứng hơn. Ngoài ra nước sô đa cũng có tác dụng giảm ngứa khi hòa vào nước tắm. Bạn cũng có thể lấy gạc bông ngâm vào nước sô đa, sau đó đắp lên những vùng mụn lớn.
Bên cạnh đó, còn có kem Calamine bôi lên các mụn nước làm khô và giảm ngứa. Trong trường hợp mất ngủ có thể sử dụng các liều thuốc kháng histamin.
Cắt ngắn móng tay của trẻ để tránh gãi mạnh trên da. Mang tất tay cho con khi ngủ đế tránh gãi để lại sẹo.
Bạn cũng có thể cho con bạn:
- Uống các loại nước mát.
- Ăn thức ăn hợp khẩu vị để tăng cường hệ miễn dịch.
- Sử dụng khăn trải giường sạch và ngủ trong phòng thông thoáng.
- Cho trẻ mặc quần áo rộng và thoải mái làm bằng cotton hoặc sợi tự nhiên sẽ tránh gây kích ứng da và ra nhiều mồ hôi.
Bệnh zona là gì?
Zona thực chất là sự hồi sinh của các vi rút gây thủy đậu những năm về sau. Các vi rút này nằm ẩn trong các dây thần kinh. Khi hệ miễn dịch trong cơ thể suy yếu hoặc do người mang vi rút không may, các vi rút này sẽ hoạt động trở lại. Mụn rộp lại xuất hiện gây đau đớn, tập trung chủ yếu ở một bên của cơ thể và dọc đường dây thần kinh. Ngay cả khi mụn lành, da vẫn bị đau và ngứa ran trong vài tháng sau đó. Người mắc bệnh Zona vẫn có khả năng truyền bệnh thủy đậu cho người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.
Phương pháp điều trị là sử dụng các thuốc kháng vi rút và thuốc giảm đau. Sau đó là kiểm soát bệnh và giúp người bệnh được thoải mái.