Với thời tiết nhiệt đới nắng nóng mùa hè, du khách thường dễ mắc những vấn đề sức khỏe sau:
1. Ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa (Acute Gastroenteritis)
1.1 Nguyên nhân
Nhiệt độ và độ ẩm môi trường tăng cao vào mùa hè tạo điều kiện tốt cho các mầm mống vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn trong thức ăn, đặc biệt những loại thực phẩm không được chế biến hợp vệ sinh và để phơi ra môi trường bụi bặm hoặc nhiều ruồi nhặng. Bằng cảm quan thông thường, đôi khi rất khó đánh giá chất lượng thực phẩm trước khi chúng ta ăn vào, và càng khó biết rằng liệu chúng ta có thể bị rối loạn tiêu hóa sau khi ăn hoặc uống loại thực phẩm đó hay không. Tất cả chúng ta ai cũng ít nhất một lần trong đời bị các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng thường gặp là đau bụng quặn từng cơn, tiêu chảy, nôn mửa, đôi khi sốt cao. Triệu chứng nặng và kéo dài có thể dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải và thậm chí có thể tử vong nếu nhiễm trùng đường tiêu hóa nặng.
1.2 Khi bị tiêu chảy và ói mửa, người ta thường làm những điều sai lầm sau
Không dám ăn hoặc uống vì sợ bị ói ra hoặc tiêu chảy nhiều hơn: SAI
- Thực ra là cơ thể đang bị mất nhiều nước và chất điện giải (Natri, Kali, Clor) qua phân hoặc chất nôn. Việc uống nhiều nước hơn những ngày thường và tiếp tục những khẩu phần ăn vệ sinh, đủ dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể chống chọi tốt và dễ dàng vượt qua bệnh. Lời khuyên là sau mỗi lần đi tiêu chảy, bạn nên uống lại khoảng 200-250 mL nước chín. Nếu bị nôn ói nhiều, hãy uống từng ngụm nhỏ, nhiều lần, cho đủ lượng nêu trên.
Tự ý uống thuốc cầm tiêu chảy (vd: Loperamide): SAI
- Thuốc này làm giảm nhu động ruột, giảm số lần đi tiêu, nhưng cũng chính vì thế mà các chất độc tố, vi khuẩn xấu trong ruột không được đào thải ra ngoài sớm, có thể gây ra nhiễm trùng nhiễm độc rất nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng.
1.3 Những điều nên làm
Rửa tay sạch sẽ với nước và xà phòng thường xuyên, và các biện pháp vệ sinh chung trước khi chuẩn bị thức ăn/ ăn uống.
Rửa tay sạch sẽ với nước và xà phòng thường xuyên,
Nấu chín thức ăn và hâm kỹ thức ăn khi dùng lại. Lưu trữ thức ăn chưa dùng trong tủ lạnh.
Đi khám bệnh sớm nếu có các dấu hiệu sau:
- Tiêu chảy hoặc nôn ói quá nhiều lần, nặng nề, hoặc kéo dài nhiều ngày.
- Cảm giác mệt lã, khát nước nhiều, chóng mặt hoặc choáng váng: cơ thể đang bị mất nước nhiều.
- Trong phân có lẫn chất nhầy hoặc máu
- Cảm giác đau bụng nhiều
- Có sốt
- Đang có thai hoặc có kèm các bệnh lý mạn tính khác: như tiểu đường, tim mạch, thận...
- Cha mẹ chủ động chủng ngừa Rotavirus đầy đủ cho trẻ nhũ nhi từ 2 đến 6 tháng tuổi là biện pháp hiệu quả để dự phòng tiêu chảy cấp nặng nề do Rotavirus ở trẻ em.