1. Bệnh viêm họng
Viêm họng là biểu hiện bé kêu đau họng khi nói hay khi uống nước, nuốt thức ăn; kèm theo đó là sốt từ 37,5 – 38 độ C. Mẹ có thể kiểm tra xem cổ họng bé có bị sưng không, lúc nói hay lúc ho có đau rát không. Nếu có nước mũi, sụt sịt, tắc mũi thì mẹ có thể chắc chắn con đang bị viêm họng.
2. Viêm VA
Khi bị viêm VA, trẻ sốt từ 38 – 390C (đôi khi sốt cao hơn), chảy nước mũi. Những ngày đầu nước mũi còn trong, nhầy, càng về những ngày sau nước mũi đặc hơn (chính là mủ) có màu vàng hoặc trắng đục (nếu do vi khuẩn tụ cầu hoặc do vi khuẩn H.influenzae, S. pneumoniae) hoặc màu xanh (nếu VA bị viêm bởi trực khuẩn mủ xanh thì nước mũi thường có màu xanh cho nên người ta thường gọi là thò lò mũi xanh). Khi trẻ bị viêm VA, ngoài các triệu chứng kể trên, trẻ cũng bị ho, mệt mỏi, ít chịu chơi và hay quấy khóc.
3. Viêm mũi
Viêm mũi là tình trạng bé bị tắc mũi, nghẹt mũi, khó thở đặc biệt về ban đêm, thậm chí bé sốt, hắt hơi, chảy nước mũi trong. Viêm mũi tuy không nguy hiểm nhưng lại gây ra biến chứng làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như giảm thị lực, viêm họng, ho kéo dài, viêm thanh – khí – phế quản…
4. Viêm phế quản
Khi bị viêm phế quản, triệu chứng đầu tiên là trẻ bị sổ mũi và ho, mũi có nhiều dịch nhầy. Khi bé bị viêm phế quản, mẹ nên làm sạch mũi cho bé thường xuyên bằng cách dùng nước muối sinh lý để bé dễ thở hơn.
5. Viêm phế quản phổi
Bé thường bị viêm phế quản phổi khi bị nhiễm lạnh. Trường hợp này nguy hiểm hơn các bệnh trên do có thể dẫn đến tình trạng suy hô hấp thậm chí tử vong nếu mẹ không để ý kịp thời. Các triệu chứng của viêm phế quản phổi thường khó nhận biết vì không có triệu chứng nào rõ rệt. Nếu mẹ thấy bé khóc vì khó thở, chán ăn, hay nôn hoặc đau ngực… thì đó cũng có thể là triệu chứng ban đầu của viêm phế quản phổi. Để phòng chống viêm phế quản phổi, mẹ cần cho bé đi thăm khám định kỳ và tiêm chủng đầy đủ.
Để trẻ khỏe mạnh trong mùa đông, điều quan trọng nhất là mẹ cần tránh bé bị nhiễm lạnh. Mỗi khi ra ngoài (đi học hoặc đi chơi) cần mặc ấm cho trẻ, chú ý giữ ấm cổ, tay và chân. Mỗi lần trẻ uống nước, uống sữa cần cho trẻ uống ấm, không nên cho trẻ uống nước, sữa lạnh. Khi trẻ sốt, ho hoặc có kèm theo khó thở thì cần cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt (có thể khám ở chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa tai, mũi, họng) để được chẩn đoán bệnh sớm và có hướng điều trị ngay từ đầu, không nên để bệnh quá muộn mới đưa trẻ đi khám.