Viêm đường hô hấp trên có lây và có nguy hiểm không
Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là bệnh lý rất thường gặp, mặc dù bệnh có biểu hiện thường nhẹ, đôi khi trẻ có thể tự vượt qua khỏi tuy không cần đến điều trị đặc hiệu gì, do bệnh có khả năng lây lan rất cao, trẻ sẽ rất dễ bị tái nhiễm cũng như diễn tiến nguy hiểm khi mắc phải biến chứng.
1. Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là gì?
Đường hô hấp được chia thành hai đoạn với các đặc điểm sinh lý bệnh học viêm nhiễm khác nhau:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Triệu chứng xảy ra chủ yếu ở mũi và cổ họng. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do virus, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và các triệu chứng bao gồm cảm lạnh và cúm mùa thông thường.
- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Các triệu chứng xảy ra ở phế quản, khí quản và nhu mô phổi. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới do virus thường ít phổ biến hơn ở trẻ em mà chủ yếu là có sự tham gia của vi khuẩn, bao gồm các bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phế quản và viêm phổi.
Theo đó, tình trạng viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường quen gọi là cảm lạnh thông thường, xảy ra ở các cơ quan đóng vai trò vị trí là ngõ vào cũng đường dẫn khí như mũi, cổ họng, tai và các xoang ở trẻ nhỏ. Hầu hết các trẻ em đều dễ bị cảm khoảng 5 đến 8 lần mỗi năm. Trẻ sẽ có khuynh hướng dễ bị thường xuyên hơn vào mùa đông.
Tình trạng viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường quen gọi là cảm lạnh thông thường
2. Những triệu chứng của viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là gì?
Các triệu chứng gợi ý đến khả năng viêm đường hô hấp ở trẻ em trên sẽ xảy ra rầm rộ nhất trong vòng 3 đến 5 ngày đầu tiên, bao gồm:
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Hắt hơi
- Ho khan hay ho có đờm
- Đau họng hoặc khàn giọng
- Mắt đỏ, chảy nước mắt và đau mắt
- Mệt mỏi hoặc quấy khóc
- Cảm giác ớn lạnh
- Sốt cao
- Sốt liên tục khó hạ sốt
- Nhức đầu, đau nhức cơ thể
Chính vì các biểu hiện này sẽ khiến trẻ khó chịu, bớt linh hoạt, ít chơi đùa, hạn chế chạy nhảy cũng như bú kém hay bỏ bú. Nếu trẻ có kèm theo triệu chứng buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy cùng với sốt cao, trẻ sẽ càng bị thiếu nước, biểu hiện sụt cân nhanh, môi khô, mắt trũng, da nhăn nheo, khóc không có nước mắt. Nếu tình trạng thiếu nước xảy ra với mức độ nghiêm trọng, cha mẹ không phát hiện kịp thời, các chuyển hóa bên trong cơ thể sẽ nhanh chóng bị rối loạn, trẻ dễ vào biến chứng viêm đường hô hấp nguy hiểm tính mạng.
3. Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em có lây không?
Nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp trên ở trẻ em thường là do virus. Có nhiều loại virus gây bệnh khác nhau. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các chủng siêu vi gây bệnh trên đường hô hấp là khả năng lây lan rất mạnh. Virus có thể lây nhiễm từ trẻ này sang trẻ khác khi trẻ ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với phạm vi gần. Hơn thế nữa, virus còn có thể tồn tại là tiếp tục chu kỳ sinh bệnh khi chạm vào bề mặt các đồ vật như tay nắm cửa, giường, bàn ghế và nhất là đồ chơi.
Sốt là dấu hiệu viêm đường hô hấp trên ở trẻ
Theo đó, trẻ có thể bị nhiễm bệnh bằng cách đưa tay hay các vật mang mầm bệnh vào miệng cũng như chạm vào các vật mang virus và sau đó dụi tay lên mắt hoặc mũi. Đồng thời, các trẻ trong một nhóm trẻ, lớp học thường lây lan bệnh tật với nhau khi cùng chơi đùa, ăn uống trong một khoảng không gian hạn chế. Chính vì vậy, trẻ rất dễ mắc bệnh và cũng dễ bệnh tái phát.
Để phòng ngừa lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em thì cha mẹ cần:
- Giữ trẻ bạn tránh xa những người đang bị cảm lạnh trong 3 đến 5 ngày đầu tiên. Virus có khả năng lây lan dễ dàng nhất trong khoảng thời gian này.
- Hạn chế đưa trẻ đến những nơi công cộng, nơi tụ tập đông người.
- Rửa tay cho con thường xuyên và dạy cho con thao tác rửa tay đúng cách khi trẻ bắt đầu có ý thức.
- Dạy trẻ biết cách che mũi và miệng khi hắt hơi, ho và xì mũi. Chỉ cho con cách ho và hắt hơi vào khuỷu tay thay vì dùng lòng bàn tay.
- Luôn có dụng cụ cá nhân riêng cho trẻ như ly chén, khăn mặt.
- Thường xuyên vệ sinh đồ chơi và các bề mặt mà trẻ có thể chạm tay vào với dung dịch sát khuẩn.
4. Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ có nguy hiểm không?
Viêm đường hô hấp ở trẻ là căn bệnh có thể điều trị, tuy nhiên tỷ lệ tái phát cao và trong một số trường hợp biến chứng viêm đường hô hấp nguy hiểm. Khi trẻ có bất kỳ một trong các dấu hiệu viêm đường hô hấp sau đây, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và can thiệp kịp thời, phòng tránh viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em vào các biến chứng nguy hiểm:
- Sốt quá cao mà không thể hạ sốt
- Thở nhanh
- Có vẻ khó thở, thở co kéo ngực bụng
- Phập phồng cánh mũi
- Môi hoặc móng tay có dấu hiệu tím tái
- Nhịp tim đập nhanh hơn bình thường
- Da nổi bông
- Tiểu ít hay không đi tiểu
- Quấy khóc liên tục
- Co giật
- Lừ đừ, ngủ gà hay li bì
Tóm lại, mặc dù viêm đường hô hấp trên ở trẻ là bệnh lý khá quen thuộc ở con trẻ với các đợt cảm lạnh, sốt, ho, sổ mũi trong vài ngày và tự thuyên giảm, bất cứ lúc nào cũng không nên chủ quan. Cha mẹ cần chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp, theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm của con để can thiệp kịp thời. Ngoài ra, chú ý tuân thủ các cách dự phòng để hạn chế lây lan và mắc bệnh tái phát.