-
1. Giá trị dinh dưỡng và lợi ích của cá thu đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Cá thu là một trong các loại cá biển có thịt thơm ngon, dồi dào nguồn đạm và chất béo… bởi vậy dân gian đã có câu “chim, thu, nhụ, đé” để nói đến 4 thứ cá biển ngon nổi tiếng.
Cá thu có chứa loại dầu mang tên omega-3 có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn sự hình thành chất prostaglasdins có liên quan đến những cơn đau khi hành kinh hay chứng tổn thương ngực và thậm chí cả ung thư vú ở phụ nữ. Một cuộc khảo sát nghiên cứu trên 290 phụ nữ do Tạp chí dinh dưỡng lâm sàng châu Âu thực hiện cho biết, nếu bạn ăn cá thu đều đặn thì mỗi kỳ kinh nguyệt sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn. Ngoài ra, nghiên cứu của Hiệp hội sức khỏe Mỹ cũng cho thấy omega-3 trong cá thu có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư vú và phòng chữa các bệnh tim mạch.
Chất béo của cá rất đặc biệt, chúng chứa các chất béo chưa bão hòa – là chất rất có lợi cho hoạt động màng tế bào của con người; giúp làm giảm nồng độ mỡ xấu trong máu và có khả năng giữ lại mỡ máu tốt… Chính những tác dụng đó của cá thu nói riêng, kể cả các loại cá khác nói chung… nên những người có bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não rất cần ăn cá, ít nhất vài ba lần trong một tuần. Mặt khác, sự cung cấp chất béo omega-3 của cá giúp làm tăng hoạt động tốt cho mạch máu, tạo chất xám trong não khiến trí tuệ trẻ phát triển tốt, làm tăng trí thông minh. Nhiều nghiên cứu khác cũng thấy cá còn cung cấp một số chất khoáng rất quan trọng cho sự sống của con người như chất sắt, phốt pho, canxi, kẽm… Vitamin trong cá cũng rất dồi dào, nhất là vitamin nhóm B như vitamin B2, B12 và vitamin PP.
-
2. Dùng nguyên liệu cá thu tươi ngon để nấu cháo ăn dặm cho bé ngay tại nhà
Như chúng ta biết cá thu là một món ăn rất ngon, nhiều dinh dưỡng, vậy muốn chế biến cá thu thành món ăn cho trẻ nhỏ thì phải thế nào?
Bé ngoài 7 tháng có thể ăn được cá. Tuy nhiên, mẹ nên cho bé ăn cá đồng trước rồi mới tới cá biển. Nhiều mẹ đợi đến khi con ngoài 1 tuổi mới tập cho bé ăn cháo với cá biển.
Cháo cá thu, rau mùi cho bé:
* Nguyên liệu: Gạo nếp, gạo tẻ; Cá thu; rau mùi; dầu ăn; đầu hành lá; chút nước mắm.
* Cách làm:
- Cá thu làm sạch, cắt miếng mỏng, ướp với đầu hành, nước mắm.
- Cho dầu ăn vào chảo, cho cá vào xào cho thơm.
- Gạo nếp, gạo tẻ ninh nhừ thành cháo.
- Cháo chín, cho cá vào.
- Sau đó, cho rau mùi băm nhỏ vào.
-
3. Chia sẻ của một bà mẹ trẻ về món cháo cá thu trong truyền thống dân tộc Việt Nam
Ngày xưa khi tôi còn bé và ở quê, món cháo cá thu má tôi nấu để bồi bổ cho tôi lúc bị cảm lạnh đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in,…
Thời ấy, tìm được lát cá thu không dễ, bởi đơn giản là ngư lưới cụ thiếu, thuyền đánh bắt xa bờ cũng hiếm, nên lâu lâu ngư dân mới trúng vài ba con cá thu dính câu ven bờ. Hơn nữa, cá thu thuộc hàng cá “độc” gồm: chim, thu, nụ, đé nên giá cả cũng cao chót vót so với túi tiền của người dân quê. Vì vậy, nói như dân Quảng là được ăn cháo cá thu đã sướng mê tơi, huống chi cá thu nấu với nhiều thứ gia vị hấp dẫn, nóng, thơm như nén, hành mà không nhanh giải cảm mới lạ.
Món cháo má tôi nấu cũng đơn giản. Cho gạo vào nồi nấu kỹ, khi nào hạt gạo đã mềm mới thêm hành, tỏi, nén giã nhỏ và ít gừng cắt chỉ vào nồi. Còn cá thu thì cắt lát, ướp mắm, muối để sẵn. Nồi cháo chín tới mới cho cá thu vào. Khi múc cháo ra tô, thêm vào chút hành lá và vài ba hạt tiêu xay. Món cháo cá vừa thổi vừa húp lại thêm chén mắm ớt đỏ bên cạnh dùng để chấm cá, thoạt nhìn đã thấy thèm. Giữa tiết trời giao mùa nắng hanh hao, trời se lạnh mà mồ hôi túa ra như tắm, loáng chút tô cháo vơi nhanh.
Hồi đó, tôi chỉ nghĩ có lẽ do hành, do tỏi, do nén, rồi cá thu ngon miệng nên giúp mình nhanh khỏi bệnh. Nhưng bây giờ, cũng chừng ấy thứ nấu với cá thu để ăn giải cảm mà sao tâm trí cứ để đâu đâu. Có lẽ còn thiếu một thứ gì đó vương vương, cay xè trên mắt: đó là sự lo toan, ân cần và tình thương của má gửi vào tô cháo cá thu ngày nào…
Giờ đây tôi đã có gia đình riêng, con cũng bước vào tuổi ăn dặm và món cháo cá thu cũng là món khoái khẩu của bé.