1. Dưỡng chất từ Vitamin
Vitamin là một trong những yếu tố cần thiết cho sự phát triển cơ thể trẻ em. Cha mẹ cần phải biết các loại thực phẩm chứa vitamin cũng như một số các dấu hiệu để biết được trẻ cần bổ sung dưỡng chất.
Vitamin B
Các thực phẩm giàu Vitamin B bao gồm: Gan, cật, thịt, trứng, sữa, phomat, lúa mạch, các loại đậu/đỗ, rau xanh, cám gạo,…
Nhóm vitamin B bao gồm vitamin B1, vitamin B2, B3, B5, B6, B8, B9 và vitamin B12. Những vitamin này giúp tạo ra một loại enzim quan trọng nhằm tăng cường khả năng chuyển hóa đường, chất béo, protein trong cơ thể. Ngoài ra, vitamin B1 còn giúp kích thích cảm giác thèm ăn ở trẻ.
Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị thiếu Vitamin B:
- Không tăng cân, nước tiểu ít.
- Thể trọng giảm sút.
- Chán ăn, hay quấy khóc, bị táo bón hoặc tiêu chảy.
Lưu ý: Vitamin dễ bị hòa tan trong nước và phân hủy ở nhiệt độ cao nên bạn phải chú ý khi sơ chế thực phẩm cũng như khi đun nấu để tránh tình trạng làm mất đi nguồn Vitamin này.
Vitamin A
Vitamin A được coi là nguồn dưỡng chất đặc biệt cần thiết với phôi thai và các bé. Vitamin A đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của xương.
Các loại thực phẩm giàu Vitamin A bao gồm
- Các loại rau có lá xanh thẫm như rau ngót, rau đay, rau dền, rau muống,… Các loại củ quả có màu vàng hay da cam như cam, đu đủ, xoài, gấc, mận, đào, cà rốt, bí ngô…
- Gan động vật (đặc biệt là gan cá), các chế phẩm từ bơ sữa, lòng đỏ trứng, thịt gà, thịt vịt, cá chép, phomat,…
Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị thiếu Vitamin A
- Trẻ chậm lớn, mệt mỏi, không chịu chơi.
- Da thô ráp, bong vảy, sần sùi.
- Trẻ cũng có thể sợ ánh sáng.
- Mắt trẻ hay bị khô, ít nước mắt.
- Móng tay không hồng.
- Hay ốm vặt.
Bên cạnh đó, Vitamin A cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị lực. Vitamin A giúp sáng mắt, tăng sức đề kháng và bảo vệ hệ tiêu hóa, hô hấp và đường tiết niệu của trẻ khỏi nguy cơ nhiễm khuẩn.
Vitamin C
Các thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: các loại rau xanh như bắp cải, cải cúc, cần tây, rau dền, rau ngót, rau muống, hành lá, cần tây… và trong các loại quả có vị chua như bưởi, ổi, quýt, cam, chanh,…
Vitamin C duy trì hệ xương, răng, nướu, dây chằng, mạch máu và giúp tăng cường khả năng chống nhiễm khuẩn. Giảm các chất thải có hại đối với cơ thể, cả những chất độc do cơ thể tạo ra và tăng cường hấp thu sắt chống lại chứng thiếu máu.
2. Sắt
Trong các Vitamin và khoáng chất, sắt là thành phần không thể thiếu cho cơ thể. Đặc biệt, sắt cũng có tác dụng giúp bé phát triển chiều cao tối ưu.
Các loại thực phẩm giàu chất sắt
- Các loại cá và động vật thân mềm như sò, trai…
- Gan động vật, đậu đỗ, đậu Hà Lan, thịt cá (đối với thịt gia cầm, thịt đùi là nơi tập trung nhiều chất sắt nhất, thịt càng sẫm màu càng chứa nhiều chất sắt), rau dền, cải xoong, cải xoăn…
- Các loại sữa,ngũ cốc, đặc biệt là lúa mạch, yến mạch.
- Một số loại hạt như hạt vừng, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, hạt hồ đào…
Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị thiếu sắt
- Da trẻ hay bị ngứa.
- Đuối sức hay mệt mỏi.
- Mặt mũi xanh xao.
- Móng tay mềm, dễ gãy, không có màu tươi sáng.
- Đầu óc không minh mẫn, hay bị phân tâm.
Lưu ý: Để cơ thể hấp thu chất sắt tốt nên cho trẻ ăn kèm với những loại thực phẩm giàu Vitamin C có nhiều trong rau, hoa quả. Hoặc nên cho trẻ uống sữa cách một khoảng thời gian trước khi ăn một bữa ăn giàu chất sắt.
3. Canxi
Canxi là loại khoáng chất tác động trực tiếp vào xương giúp tăng trưởng chiều cao của bé.
Thực phẩm giàu canxi gồm: Sữa, đậu phụ, cua ốc, tôm tép, các loại rau có màu xanh sẫm như rau muống, mồng tơi, cải xanh…
Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị thiếu canxi
- Trẻ bị còi xương, răng không đều, chất lượng răng kém và bị sâu răng
- Chân tay tê mỏi, chóng mặt, cơ trơn của hệ tiêu hóa co bóp yếu nên trẻ thường chán ăn, táo bón
- Trẻ bị đổ mồ hôi trộm khi ngủ, ngủ không yên giấc
- Trẻ hay than đau chân, nhức mỏi chân sau ngày dài chạy nhảy
Lưu ý: Trẻ cần được tiếp xúc với ánh nắng để cơ thể tăng quá trình hấp thu canxi. Cho trẻ được tắm nắng hoặc vui đùa dưới ánh nắng buổi sớm hay buổi chiều từ 15 đến 20 phút/ ngày.