LTS: Thời gian gần đây, phong trào dạy con học chữ trước đã phát triển rất mạnh. Từ những thẻ tên, thẻ chữ cho đến các bài học làm tính, học đánh vần đều được các cha mẹ cố gắng dạy con từ khi đứa trẻ còn nhỏ xíu.
Mặc dù, các chuyên gia đã nhiều lần khẳng định dạy con học trước sẽ hủy hoại khả năng tưởng tượng, sáng tạo, liên tưởng của trẻ.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản các cha mẹ tiếp tục dạy trẻ. Dường như việc dạy trẻ trước đã trở thành một cuộc đua âm thầm mà rất nhiều cha mẹ tham gia với sự nhiệt tình cao độ.
Để các cha mẹ hiểu thêm về vấn đề “Có nên dạy con học chữ trước hay không?”, hôm nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được ý kiến của Tiến sĩ Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Tiểu học (Đại học sư phạm Hà Nội) nhìn nhận về trường hợp các bé dưới 6 tuổi không được dạy trước thì trẻ có quan sát, liên tưởng và sáng tạo về sự vật, hiện tượng như thế nào?
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Thứ nhất, khi trẻ không biết chữ trước, các em sẽ có khả năng quan sát một cách tinh tế ở những chi tiết nhỏ mà các bạn biết chữ sẽ ỷ lại vào chữ nên không để ý.
Ví dụ, trong số các bạn nhỏ mà tôi gặp gỡ và nghiên cứu, có 1 bạn trai 5 tuổi hoàn toàn không biết chữ.
Trong lớp, giáo viên chúng tôi thường cho trẻ đeo thẻ tên. Khi cho bạn ấy xem một loạt các thẻ tên của các bạn trong lớp, bạn ấy luôn nhặt và trả đúng thẻ cho từng bạn mặc dù không biết đọc.
|
Dạy con học chữ trước 6 tuổi, phụ huynh đang hủy hoại con trẻ những gì? (Ảnh minh họa trên Báo Chính phủ) |
Giáo viên có hỏi bạn ấy xem các thẻ này của ai và tại sao, bạn ấy đã vừa chỉ vừa nói: thẻ này có 1 vạch màu hồng là của bạn Bông. Thẻ này có vết xước đằng sau là của bạn Táo.....
Đặc biệt, khi chúng tôi cho bạn ấy xem thẻ của cô giáo, bạn ấy đã chỉ ra thẻ đó rất nhanh vì phát hiện ra những dấu chấm ở hình tròn trong các thẻ học sinh (Dấu nặng dưới chữ O trong chữ THẺ HỌC SINH) còn thẻ của cô giáo thì không có (chữ O trong chữ THẺ GIÁO VIÊN).
Với sự quan sát rất nhanh nhẹn ấy, bạn nhỏ đã xác định rất nhanh chủ nhân của từng thẻ tên mà không hề cần đến biết chữ.
Thứ hai, trẻ dưới 6 tuổi “mù chữ” sẽ có khả năng sáng tạo từ những quan sát xung quanh rất tốt.
Câu chuyện từ ngày tôi học đại học, khi trong nhà có 1 em bé bước vào học lớp 1. Lúc đó nghe bố mẹ dạy 2 - 2= 0 thì em bé đó đã lặp lại rất hài hước: hai trừ hai bằng không khí, hai trừ hai bằng không khí....
Rõ ràng "số 0" và từ "không khí" có 1 chữ đồng âm trái nghĩa. Trẻ nhỏ tưởng tượng những thứ mà người biết chữ sẽ không bao giờ nghĩ ra. Đó chính là sáng tạo.
Sáng tạo là việc tìm tòi và phát kiến ra những điều đặc biệt mà những người khác không tìm ra.
Sáng tạo là hoạt động cá nhân mà không ai có thể dạy người khác được vì những phát kiến mới chỉ có thể nảy sinh trong óc từ những quan sát đặc biệt hiếm hoi và đi ngược lại xu thế của đám đông.
Khi trẻ có sự quan sát tự do, không gò bó bởi các nguyên tắc, trẻ sẽ dễ dàng tìm ra những điểm mới thú vị làm cho người lớn phải ngạc nhiên. Tuy điều đó không phải là mới tinh với người lớn nhưng đó lại là điều mà trẻ lần đầu phát hiện. Đó thực sự là sáng tạo của riêng trẻ.
Trong một thí nghiệm mà chúng tôi làm với đám trẻ 5 tuổi, có 5 cháu chưa biết đọc và 5 cháu đã biết chữ.
Trong số 5 cháu chưa biết chữ thì có 4 cháu đã biết bảng chữ cái và 1 cháu chưa biết gì. Chúng tôi cho trẻ đọc truyện tranh có các bức tranh to và lời thuyết minh ngắn (chừng 2 dòng) ở dưới. Cả 5 cháu biết chữ (biết đọc thành thạo) thì đều đọc khá chính xác câu chuyện.
Nhưng 5 cháu chưa biết chữ thì đã kể cho chúng tôi 5 câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
Đặc biệt khi chúng tôi yêu cầu đọc lại 1 lần nữa thì 5 cháu biết đọc đã đọc lại câu chuyện như cũ còn 5 cháu không biết chữ thì lại kể cho chúng tôi 5 câu chuyện khác hẳn.
Như vậy, với 5 cháu biết chữ, các câu chuyện lúc nào cũng giống nhau còn với 5 cháu chưa biết chữ, mỗi lần đọc là lại 1 câu chuyện mới rất thú vị theo sự tưởng tượng của các cháu khi quan sát các bức tranh. Đây chính là sự sáng tạo đặc biệt của trẻ “mù chữ”.
Thứ ba, khả năng quan sát cũng như liên tưởng của trẻ dưới 6 tuổi chưa biết chữ rất cao.
Khi chúng tôi viết chữ O lên tay các bạn nhỏ mầm non chưa biết chữ, các bạn lập tức phát biểu: hình tròn, đồng hồ, bánh xèo, bánh xe ô tô, quả bóng, nắp chai, miệng cốc..... Các bé đã làm tôi bất ngờ vì bạn khác mà biết chữ chắc chắn sẽ trả lời tớ: chữ O.
Rõ ràng, khi trẻ học ít các nguyên tắc, trẻ sẽ liên tưởng và sáng tạo tốt hơn.
Chúng ta chắc chắn là đồng ý với nhau rằng: Trẻ em Việt Nam chỉ có được 6 năm để “mù chữ” bởi với chủ trương phổ cập, sau tuổi lên 6, tất cả các trẻ đều được đến trường và học chữ.
Như vậy, việc biết chữ với trẻ Việt là chắc chắn, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Nhưng nếu cả 6 năm đầu đời của trẻ đều được bảo tồn và tôn trọng bằng cách rời xa việc học chữ để con chú tâm vào quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người xung quanh, chắc chắn các con sẽ phát triển khả năng quan sát tinh tế, liên tưởng và sáng tạo rất tốt.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương