Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Lương y như từ mẫu”, những người thầy thuốc như những người mẹ hiền. Nghề thầy thuốc là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh. Có những người trực tiếp cứu chữa người bệnh, làm việc trong các cơ sở y tế, có những thầy thuốc “mang quân hàm xanh” như các chiến sĩ biên phòng và có những thầy thuốc với những đóng góp thầm lặng mà cực kì quan trọng bởi việc làm của họ đã góp phần không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, giúp phòng các bệnh thường gặp, sơ cấp cứu ban đầu cho những trường hợp tai nạn ở trường học, theo dõi sức khỏe của học sinh…đó chính là nhân viên y tế trường học.
Với ước mơ trở thành một người thầy thuốc, được chăm sóc sức khỏe, cứu giúp mọi người, cô Nguyễn Hà Thảo Ly đã theo đuổi đam mê và thực hiện mơ ước của mình. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, với tuổi trẻ đầy nhiêt huyết, phía trước có rất nhiều sự lựa chọn nơi làm việc, gắn bó cho tương lai của mình nhưng vì yêu trẻ, luôn khao khát được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để chăm sóc sức khỏe cho lứa tuổi măng non của đất nước nên cô đã lựa chọn làm nhân viên y tế học đường cho Trường Mầm non Đức Giang. Cô Thảo Ly rất sáng tạo trong việc lập kế hoạch hoạt động y tế theo từng mùa dịch bệnh, theo diễn biến thực tế của các bệnh có thể bùng phát trong trường học để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch, giúp đội ngũ giáo viên trong trường tuyên truyền phòng chống dịch kịp thời đến phụ huynh. Cô rất quan tâm và nắm vững bệnh lý của từng trường hợp đặc biệt, quản lý hồ sơ y tế của tất cả học sinh trong trường một cách khoa học, cẩn thận, phối hợp rất tốt với giáo viên, nhân viên y tế phường Đức Giang trong mỗi đợt cân, đo, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ. Những đóng góp thầm lặng của cô đã góp phần rất lớn vào những thành tích đạt được của nhà trường trong công tác chăm sóc trẻ.
Trong đợt dịch bệnh Covid 19 bùng phát lần thứ 4 với những diễn biến hết sức phức tạp với con số bệnh nhân tăng lên hàng ngày lên tới hơn chục nghìn ca bệnh, trẻ phải tạm dừng đến lớp để phòng chống dịch bệnh thì công việc của cô lại trở nên bận rộn hơn rất nhiều. Sự “bận rộn” này không phải tự dưng mà có, nó xuất phát từ năng lượng, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ, tình thương người và lòng yêu nước vô tận của cô. Ngoài việc thực hiện các công tác y tế trường học như cập nhật tình hình dịch bệnh của phụ huynh, trẻ, các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường; có những bài tryên truyền phòng chống dịch bệnh, các hoạt động tiêm chủng của cán bộ, giáo viên, nhân viên…cô đã xung phong tham gia các hoạt động phòng chống dịch do Quận, phường huy động. Không quản khó khăn, ngày đêm, nguy hiểm chỉ biết nơi nào cần cán bộ y tế, cần thanh niên trong công tác phòng, chống dịch là cô đăng ký tham gia ngay.
Từ ngày tham gia các hoạt động phòng chống dịch, thời gian cô dành cho bản thân, gia đình ngày càng ít, thay vào đó là bữa cơm trong nơi tạm trú cho cán bộ y tế, tham gia hỗ trợ chòng chống dịch, tại trạm y tế lưu động. Những giấc ngủ chẳng còn được dài và ngon giấc như xưa. Cô tâm sự với tôi rằng “Mọi người trong đội chỉ thay nhau chợp mắt, bệnh nhân cần hoặc có huy động gấp là lên đường đi ngay. Có đêm bệnh nhân trở nặng, cô mang bình Oxy xuống cấp cứu cho bệnh nhân đợi đến lúc xe cấp cứu đến mới về trạm nhưng được một lúc bệnh nhân gọi điện lại báo bệnh viện không tiếp nhận trả về là cô và một số người trong đội lại xuống sơ cứu cho bệnh nhân ổn định rồi mới về. Lúc đó về tới trạm trời cũng gần sáng”. Cô nhớ lại: “Lần đầu tiên tham gia hỗ trợ phòng chống dịch do quận điều động, cô cùng mọi người đi hỗ trợ tại Trương Định. Ở đó, cô phải đi lấy mẫu Test nhanh cho dân và ngủ nghỉ tại trường Nguyễn Phong Sắc. Có những hôm làm xong phường Trương Định rồi các phường khác cần hỗ trợ là cô và mọi người lại đi ngay mặc dù lúc ý là 9-10 giờ đêm. Cô tham gia hỗ trợ 24/24 trên địa bàn phường Trương Định 7 ngày, sau đó test âm tính mới quay về quận Long Biên. Lần đầu đi hỗ trợ mà xa nhà như vậy cũng bỡ ngỡ, ăn ngủ không điều độ nhưng cô cảm thấy rất vui vì đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình trên con đường phòng chống dịch của cả đất nước”. Sau lần đó, cô thường xuyên tham gia hỗ trợ trạm các buổi tiêm phòng Covid toàn dân, hỗ trợ tại các trạm y tế lưu động. Cô lấy mẫu Test nhanh cho dân, nghe điện thoại tư vấn các F0 điều trị tại nhà, phát thuốc cho F0 hay cấp cứu chuyển tuyến cho bệnh nhân. Công việc nhiều là vậy nhưng chưa khi nào cô thôi cố gắng hay chùn bước. Với cô được giúp dân, góp sức cho công tác phòng dịch là niềm vui, niềm hạnh phúc của mình.
Tôi nhớ như in ngày hôm đó, ngày mà giáo viên-nhân viên trong trường được đi tiêm phòng mũi 2. Có lẽ các các nhân viên của trung tâm y tế dự phòng quận đã làm việc vất vả bao hôm không quản mệt nhọc để dân được tiêm một cách nhanh nhất nên ai cũng mong mọi việc tiêm chủng diễn ra thuận lợi, nhanh gọn. Giáo viên, nhân viên trường mầm non Đức Giang được cô Thảo Ly phổ biến rất cụ thể, chi tiết đến từng cán bộ GV-NV về những loại giấy tờ cần thiết, cách ghi các thông tin cho đúng, đủ; hướng dẫn tận tình các bước khi đến tiêm nên buổi tiêm được các bộ trung tâm y tế khen nhanh, quy củ, giúp nhân viên trung tâm y tế bớt mệt mỏi.
Và có lẽ cái Tết Nhâm Dần vừa qua cũng là cái tết đặc biệt nhất với cô và cô sẽ không bao giờ quên. Một cái Tết không dành thời gian trọn vẹn bên gia đình, gác lại việc cá nhân, cô tham gia hỗ trợ Trạm Y tế phường Đức Giang, thay phiên nhau trực Tết. Cô nói rằng: “Niềm vui của những cái Tết trước đây là được đoàn viên bên gia đình, còn niềm vui Tết này là được giúp người bệnh an tâm đón Tết.”
Những việc làm của cô Thảo Ly thật đáng trân trọng. Cô là một tấm gương sáng, điển hình và tích cực để những giáo viên trẻ nhưng chúng tôi học hỏi và noi theo. Những đóng góp thầm lặng của cô đã góp phần cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, sớm đem lại cuộc sống bình yên cho người dân./.