Nhiều người quan niệm rằng cúm và cảm nặng không khác gì nhau (thậm chí một số bệnh do vi khuẩn gây ra như viêm họng hoặc viêm phổi cũng có những triệu chứng gần gần giống cảm - cúm). Quả thật, để phân biệt hai loại bệnh này không phải là dễ dàng, dù cúm so với cảm thì nghiêm trọng hơn nhiều. Bệnh cúm đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, có thể gây nên nhiều biến chứng, thậm chí nếu không gây biến chứng đi nữa thì cũng làm cho trẻ cảm thấy mệt mỏi hơn, khó chịu hơn hơn cảm lạnh thông thường rất nhiều.
Phân biệt triệu chứng của cúm và cảm thường
Để xác định được rõ ràng hơn liệu con đang bị cúm hay cảm, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau đây:
-Thời gian biểu hiện bệnh của con có nhanh không?
-Con có sốt cao không?
-Con có biểu hiện kiệt sức không?
-Con có nhức đầu không?
-Con có chán ăn không?
-Con có đau nhức cơ bắp không?
-Con có bị rùng mình, ớn lạnh không?
-Con có bị đau bụng, tiêu chảy, nôn ói không?
Nếu hầu hết những câu hỏi của bạn đều là "có", nghĩa con bạn đã bị cúm. Nếu những câu trả lời của bạn đa số là "không" thì nhiều khả năng bé yêu của bạn chỉ đang bị cảm thôi. Tuy vậy, trên đây cũng chỉ là những chẩn đoán nhanh, bạn đừng vội khẳng định bệnh của con chỉ là cảm xoàng mà coi thường. Hãy nhớ rằng triệu chứng của bệnh cúm ở mỗi người có thể khác nhau, ở các giai đoạn bệnh cũng có triệu chứng khác nhau, và ngay cả những trẻ có sức khỏe tốt cũng có thể gặp những biến chứng khó lường với bệnh cúm.
Vậy nên khi con bị ốm, bố mẹ cần đưa bé đi khám ở cơ sở y tế ngay khi thấy tình trạng của con có diễn biến xấu hơn, con khó thở, sốt cao, đau đầu dữ dội, đau họng hay bất cứ biểu hiện nghi ngờ nào khác...
Chăm sóc con
Trong thời gian con bị cảm hoặc cúm, bạn hãy cố thuyết phục con nằm nghỉ trên giường, tránh vận động nhiều hay tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm. Khi thuyết phục, bạn đừng quên tranh thủ sự giúp đỡ của những "phụ tá" như sách truyện hay bộ phim yêu thích của con.
Dù con chỉ nằm một chỗ nhưng bạn vẫn nên cho bé uống nhiều nước (vì bệnh cúm thường kèm theo sốt, khiến cơ thể bị mất nước). Nếu con nhạt miệng, chán nước lọc, bạn có thể cho vào ít đá cho mát hoặc pha cùng với ít trái cây như dưa hấu, nho để giúp con dễ uống hơn. Và cùng với đó, hãy cho con mặc quần áo thoáng, mỏng và hút mồ hôi, cho con mặc nhiều lớp để có thể mặc thêm hoặc cởi ra tùy theo tình hình.
Nên thận trọng đối với những loại thuốc bạn cho con sử dụng, nhất là đối với trẻ dưới 2 tuổi. Tất cả những loại thuốc này nên được dùng dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
Khi con bị cúm, ngoài đối tượng cần chăm sóc đặc biệt này, bạn cũng nên cẩn thận, tránh để cho bản thân bạn và những người khác trong nhà bị lây. Đơn giản nhất là mọi người trong gia đình nên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi chăm sóc bé; nhưng như vậy có thể chưa đủ, bạn cũng nên cân nhắc đến chuyện tiêm phòng cúm nữa.
Ai NÊN tiêm phòng cúm?
- Người trên 50 tuổi, trẻ từ sáu tháng trở lên (đặc biệt là các bé trong khoảng 6-59 tháng) đến 18 tuổi - đây là nhóm đối tượng dễ bị những biến chứng nghiêm trọng do cúm.
- Phụ nữ dự định có thai trong mùa dịch.
- Những người có vấn đề về sức khỏe, có bệnh mãn tính, có sức đề kháng yếu.
- Những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc thường xuyên tiếp xúc với nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao.
Ai KHÔNG nên tiêm phòng cúm?
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.
- Những người bị dị ứng với thành phần của thuốc; những người bị dị ứng với trứng hoặc các sản phẩm làm từ trứng (vì có vài thành phần trong vaccine ngừa cúm được cấy lớn lên trong quả trứng.) Tuy vậy, trong một vài trường hợp, người bị dị ứng vẫn có thể tiêm bằng cách chia nhỏ liều lượng ra - việc này cần do bác sĩ quyết định.
- Những người đang bị sốt.
- Những người bị Guillain-Barré, một bệnh lý về thần kinh hiếm thấy, thường làm suy giảm hệ miễn dịch và các dây thần kinh.
Bạn cũng cần lưu ý: tiêm phòng cúm có thể gây ra một số tác dụng phụ như sốt nhẹ, đau đầu nhẹ, đau cơ... Những tác dụng phụ này có thể gây khó chịu nhưng chúng chính là phản ứng của cơ thể với mũi tiêm chứ không phải bạn bị mắc thêm bệnh lây nhiễm đâu nhé.