BÀI THAM GIA CUỘC THI VIẾT VỀ GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN, NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC QUẬN LONG BIÊN
Tác giả: Phạm Thanh Nhàn - sinh năm 1993
Chức vụ: Giáo viên
Đơn vị công tác: Trường mầm non Đức Giang
Người được giới thiệu: Trần Thị Thanh Thủy – Phó Hiệu trưởng trường MN Đức Giang
Người cô giáo năm xưa
Thế là em đã trở về nơi đây, ngôi trường khi xưa em từng học, trong cương vị một cô giáo, đứng trước khuôn viên mới của nhà trường, em cố hình dung mãi để nhớ ra vị trí của lớp mầm non ngày trước cô đã dạy chúng em…
Thấm thoắt đã 20 năm rồi cô nhỉ?
Đó là năm 1998, cả dân tộc ta đang trong những ngày tháng sôi nổi thi đua góp phần vào công cuộc đổi mới Đất nước. Tháng 9 năm đó, em cùng các bạn đồng trang lứa được đến lớp học của trường mầm non Gỗ. Đón chúng em vào lớp là cô giáo với dáng hình nhỏ nhắn, đôi bàn tay gầy guộc mà ấm áp, cô thật khác với hình ảnh cô giáo mà em vẫn nghĩ
Em đem chuyện này nói với mẹ, thì mẹ bảo: “Mày chỉ được cái viển vông. Cô Thủy dạy thì đã sao? Cô nhỏ nhắn vì lo công việc gia đình rồi hàng ngày dạy học cũng chỉ được ít lương của Nhà máy thôi. Nhưng bao nhiêu đứa trẻ đều nhờ cô mà biết chữ, sau học thành tài cả đấy”.
Buổi đầu đi học nhớ mẹ, chờ lúc cô phát cơm cho các bạn, em chạy ra cổng tay bám chặt vào những thanh sắt cố ghì người nhìn ra phía chợ đã tan để ngóng có mẹ không rồi khóc nức nở…Tính nhút nhát, đến lớp em chỉ chơi với bạn Thông hàng xóm, giờ đi ngủ cũng bám bạn ngủ cạnh nhau, bị em bé nhỏ hơn lớp dưới cấu chí cũng không dám mách cô. Những ngày sau đến lớp, cô phát cho mỗi đứa một cái lá đa dạy làm đồ chơi, tập múa, tập hát em dần quen và hân hoan tận hưởng niềm vui lần đầu tiên được làm học trò.
Trường mình ngày xưa nghèo lắm cô nhỉ, chỉ có 4 lớp học cấp bốn, ngoài cửa có giàn hoa giấy sải cành che cho chúng em thành hiên lớp. Trong ký ức non nớt của em không bao giờ quên hình ảnh cây đa già nhiều sâu, chúng bò vào khu vệ sinh chung của trường khiến lũ học trò chúng em sợ đi vệ sinh. Ngày ấy đi học, nhà khó khăn, em không có balo đựng đồ đi học như các bạn, lỡ tè ra quần em cũng sợ không dám nói chỉ đến khi các bạn trêu “đồ tè dầm” cô mới phát hiện, mượn quần bạn khác cho em mặc. Cô biết em vốn không ăn được cháo nên mỗi chiều trường chia cháo em đều biếng ăn, cô gọi em đến và dỗ ăn từng thìa, cô nói không ăn là phụ công các cô nuôi, em chịu ăn nhưng tủi thân cứ òa khóc. Cô trong ký ức của em gần gũi, giản dị là vậy.
Ngày đó, trường mình nghèo chỉ có một bể nước chung, mỗi trưa sau giờ cơm, các cô lại cùng nhau rửa bát, và cũng nơi bể nước ấy mấy đứa ăn chậm chúng em vừa ngồi ăn vừa nghe các cô trò chuyện rôm rả. Nhớ những ngày mưa, nước tràn vào lớp học, cô trò cùng nhau tát nước, lau lớp. Đồ chơi của lũ trò chúng em là chiếc lá đa, lá dừa cạn, chiếc bập bênh, cầu trượt xước sơn mà cô trò vẫn giòn vang tiếng cười, các lớp học đều vang tiếng hát mỗi ngày đến trường.Trải qua những ngày tháng khó khăn như vậy, cô và mọi người vẫn cùng nhau bám trường bám lớp, cùng nhau xây dựng và phát triển nhà trường đến ngày hôm nay.
Ngày chia tay cô vào lớp 1, lần đầu tiên em được mẹ sắm cho một chiếc váy thắt nơ xinh xinh màu trắng, suốt thời gian học lớp mẫu giáo, em chỉ có một bức hình chụp chung cùng cô nên em trân trọng và nâng niu bức hình ấy như một kỷ niệm đẹp về cô giáo của mình đến bây giờ
Cô ơi! Em nhớ như in khoảnh khắc khi em hoàn thành khóa học Sư Phạm về trường công tác sau 20 năm, cô vẫn nhớ tên, nhớ hình ảnh cô học trò thấp bé, đen nhẻm ngày nào. Dù không nhiều dịp những lứa học trò cô từng dạy dỗ về thăm trường nhưng cô vẫn dõi theo từng bước đi của chúng em.
Trường mình giờ được sát nhập thành cơ sở hai trường mầm non Đức Giang, khung cảnh sân trường cũng không còn cây đa già cỗi năm ấy, bể nước chung cũng đâu mất rồi nhưng em thấy vui vì trường mình ngày một khang trang, được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Cô không còn đứng lớp nữa mà công tác trên cương vị mới-Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn. Hình ảnh của cô trong công việc nhiệt tâm và cần mẫn như những con tằm nhả tơ mà không ngại sự xoay vần của tạo hóa. Trên cương vị là một người giáo viên, người quản lý chuyên môn của nhà trường cô luôn khát khao tìm ra những phương pháp dạy học mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo của nhà trường. Cô vẫn là giáo viên của những người giáo viên, giúp chúng em nâng cao chuyên môn, kỹ năng và em mong cô có thật nhiều sức khỏe để đồng hành cùng chúng em trên con đường trở thành giáo viên tốt như cô. Bản thân em được cô bảo ban chỉ dạy, được cùng cô gieo lên những mầm non dưới mái trường xưa em thấy mình vẫn là người học trò bé nhỏ ngày nào của cô. Em nghĩ rằng bên cạnh những cống hiến của các thế hệ lãnh đạo thì ngôi trường giàu sư phạm ngày hôm nay còn có sự đóng góp không nhỏ của cô- những người giáo viên gieo cho chúng em những con chữ đầu tiên, nuôi dưỡng trí tuệ, làm giàu lòng nhân ái – những phẩm cách quan trọng nhất của mỗi con người.
Dù không còn đứng lớp nhưng cô vẫn dành trọn tình yêu thương cho học sinh, những đứa trẻ gọi “bà Thủy” trìu mến, thân thương mỗi ngày đến trường. Cô còn trở thành những người đồng hành cùng các chị em giáo viên trong trường, 20 năm trôi qua cô vẫn sống rất chân thành, mộc mạc, sẵn sàng sẻ chia với những khó khăn của mọi người. Do hoàn cảnh nhiều giáo viên trong trường phải công tác xa nhà, xa người thân những lúc ốm đau, sinh đẻ không nhân được nhiều sự quan tâm, cô đã bên cạnh chị em giáo viên như một người thân trong gia đình, bên cạnh lo cho chị em giáo viên từng bữa ăn, đồ dùng cần thiết. Cô đã làm rất nhiều việc không tên, nhưng chính những việc làm đó đã in sâu vào trái tim của rất nhiều thế hệ giáo viên của nhà trường để mỗi khi nhắc đến cô thì mọi người đều dành cho cô những tình cảm yêu thương, kính trọng.
Cô kính mến!
Suốt quãng đời học sinh, rồi đi dạy học, em đã từng tiếp xúc với biết bao thầy cô giáo, nhưng tấm lòng người mẹ của cô giáo mầm non vẫn đọng lại trong em ấn tượng sâu sắc nhất. Em tin rằng đó cũng chính là tình cảm chung của những thế hệ học trò mà cô đã dìu dắt trong sự nghiệp trồng người của mình
Ngày 20 tháng 11 hôm nay, nhận những bó hoa học trò tặng, ký ức trong em lại ùa về. Nó làm em nhớ lại thời thơ dại. Em chỉ có cuốn album cũ cùng tấm thiệp nét chữ nguệch ngoạc tặng cô trong dịp Hiến chương các nhà giáo vậy mà cô vẫn lưu giữ những kỉ niệm đó như món quà vô giá…
“Một cây lớn khởi đầu từ cái mầm nhỏ, cuộc đời mỗi con người không có thầy cô thì không thể trưởng thành”. Những đóa hoa, món quà không thể thay em gửi đến cô những lời tri ân sâu sắc nhất bằng chính ngôn từ nên em viết bức thư này gửi đến cô nhân kỷ niệm 36 năm, ngày Nhà giáo Việt Nam. Em xin gửi đến Cô lời tri ân sâu sắc, trong trái tim em và các cô giáo đã và đang công tác tại nhà trường cô xứng đáng là một trong những người giáo viên mẫu mực và tận tụy không chỉ của Trường mầm non Đức Giang mà của cả ngành giáo dục và đào tạo quận nhà.
|
Người viết
Phạm Thanh Nhàn
|