Vậy phổ cập mầm non 5 tuổi đem lại những quyền lợi gì cho trẻ em? Chủ trương này tác động thế nào đến việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non? Để trả ời những câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT.
Để trẻ sẵn sàng đi học
PV: Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi (PCGDMNTNT) giai đoạn 2010-2015. Sau hơn 6 năm triển khai, Đề án này đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Bá Minh: PCGDMNTNT đã được chính thức đưa vào Luật giáo dục năm 2009. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của giáo dục mầm non Việt Nam trong suốt hơn 70 năm qua. Ngày 09/02/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án PCGDMNTNT gii đoạn 2010 -2015. Trong hơn 6 năm qua, Đề án đã thực sự đi vào cuộc sống, có tác động sâu sắc, toàn diện đến sự phát triển của GDMN, được thể hiện trên một số kết quả như sau:
Mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, phát triển. Năm học 2015-2016 cả nước có 14.637 trường mầm non, tăng 4.067 trường so với năm 2010 (thời điểm trước khi thực hiện Đề án). Tính đến cuối năm học 2015-2016, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 26,2%; trẻ mẫu giáo đạt 89,2%; riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp là 99,5%, tăng 1,7% so với năm 2010.
Chương trình giáo dục mầm non mới được triển khai ở hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non đã tạo nên những chuyển biến quan trọng về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Cơ sở vật chất, trường lớp được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa; tính đến tháng 6/2016, cấp học mầm non có 173.194 phòng học/180.828 nhóm, lớp, tỉ lệ 96,1%, tăng 37.869 phòng so với năm 2010. Hầu hết các CSGDMN quan tâm xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp và được trang bị thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đa dạng, phong phú.
Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDMN tăng nhanh về số lượng, từng bước được nâng cao về năng lực, trình độ đào tạo. Năm học 2015-2016, toàn quốc có 318.333 giáo viên mầm non (tăng hơn 138.309 giáo viên so với năm học 2009-2010). Tỷ lệ giáo viên/nhóm, lớp là 1,76. Số giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên là 98,3%, trên chuẩn 62,2%. Các chính sách đối với giáo viên mầm non được ban hành và triển khai đã góp phần nâng cao đời sống, giúp giáo viên yên tâm phấn khởi, gắn bó với nghề.
PV: Đánh giá một cách tổng quan, theo ông, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi mang lại những quyền lợi gì cho trẻ em?
PGS TS Nguyễn Bá Minh: Lứa tuổi mầm non là tuổi vàng của sự phát triển, việc chăm sóc giáo dục đầu đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của con người.
Việc chúng ta đạt được mục tiêu PCGDMNTNT: "Bảo đảm hầu hết trẻ em năm tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1" là một trong những nội dung quan trọng để bảo đảm quyền lợi của trẻ.
PV: Cụ thể hơn, ông có thể cho biết, PCGDMNTNT tác động thế nào đến việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non?
PGS. TS Nguyễn Bá Minh: Có thể nói, kết quả PCGDMNTNT tác động tích cực đến chất lượng GDMN. Thể hiện trên một số mặt như sau:
Quá trình thực hiện phổ cập đã tạo nền tảng cơ bản cho việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Tạo cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước ban hành được các quy chuẩn về trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất theo hướng chuẩn, phù hợp với điều kiện vùng miền, mỗi xã phường đều có một trường mầm non để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý phát triển về số lượng và chất lượng về căn bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ. Trẻ được chăm sóc, giáo dục buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non.
Việc thực hiện phổ cập cũng đã giúp cho toàn xã hội nhận thức về ý nghĩa vai trò của GDMN, nhận thức về trách nhiệm của Nhà nước của các cấp chính quyền, của xã hội của cha mẹ trẻ và từng người dân đối với công tác chăm sóc giáo dục và sự phát triển của GDMN.
Cần quyết tâm cao hơn nữa
PV: Mặc dù đã hoàn thành PCGDMNTNT song cho đến nay giáo dục mầm non vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non còn thấp và còn khoảng cách giữa các vùng, miền về GDMN. Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn của GDMN hiện nay?
PGS TS Nguyễn Bá Minh: Đúng là hiện nay có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền về chất lượng GDMN. Sự khác biệt vùng miền cũng thể hiện ở những khó khăn về mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất.
Ở một số khu đô thị, khu công nghiệp có tình trạng thiếu các cơ sở GDMN, dẫn tới người lao động phải gửi con trong các nhóm trẻ tự phát (không phép), không đảm bảo an toàn cho trẻ.
Ở vùng miền núi cao, vùng sông nước vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ, khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Tình trạng thiếu phòng học chậm được khắc phục; vẫn còn nhiều phòng học tạm, học nhờ); tỷ lệ phòng/lớp, tồngHHỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp; công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều nơi còn rất thiếu thốn.
Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục. Một số tỉnh vùng miền núi phía Bắc,Tây Nguyên, Nam Trung bộ, tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp.
Đến nay, hầu hết các địa phương vẫn chưa triển khai được thông tư hướng dẫn về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập nên việc bố trí đủ giáo viên để đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
PV: Nguyên nhân dẫn đến những bất cập như ông vừa nêu là gì?
PGS TS Nguyễn Bá Minh: GDMN có xuất phát điểm thấp, một thời gian dài trước đó hệ thống trường lớp chủ yếu là các nhà trẻ gắn với hợp tác xã, công ty, GDMN chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Do nguồn ngân sách đầu tư hạn hẹn nên thời gian quan mặc dù GDMN đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, các cơ chế chưa đủ mạnh, chưa phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế xã hội hiện nay để huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư phát triển GDMN; chưa có cơ chế hỗ trợ ngân sách đối với giáo dục mầm non ngoài công lập; các tổ chức, cá nhân muốn đầu tư phát triển trường, lớp mầm non còn gặp nhiều khó khăn trong việc được nhận các ưu tiên về đất đai, tín dụng... nên không cạnh tranh được với các trường công lập.
Mặc dù đến nay đã có chính sách cho các đối tượng vùng đặc thù, tuy nhiên, có những vùng còn khó khăn, như đồng bằng sông Cửu Long chưa được hỗ trợ chính sách thực sự phù hợp. Hoặc chính sách có nhưng không cân đối nguồn lực để đầu tư dân tới khó khăn.
Ngoài ra, nhiều địa phương có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, giao thông đi lại chưa thuận tiện, tập tục sinh hoạt không ổn định đã ảnh hưởng đến việc huy động trẻ đến trường, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
PV: Vậy, để khắc phục hạn chế, duy trì, ổn định và phát triển kết quả phổ cập, GDMN đang cần có những chính sách đột phá gì, thưa ông?
PGS TS Nguyễn Bá Minh: Để đạt được các kết quả như đã kể ở trên, cả nước đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển kết quả đó còn cần quyết tâm cao hơn nữa. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ triển khai rà soát quy hoạch, và thực hiện mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ.
Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và những người tham gia làm công tác PCGDMNTNT cả về số lượng và chất lượng. Thúc đẩy thực hiện các giải pháp về tài chính, tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục mầm non.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước để phát triển giáo dục mầm non.
Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn đầu tư, tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để phát triển giáo dục mầm non; xây dựng và thực hiện kế hoạch hợp tác, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, các chuyên gia về giáo dục mầm non và giảng viên với các nước trong khu vực và quốc tế.